Chương trình nhà ở cho hộ nghèo tạo cơ sở xây dựng nông thôn mới

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo quyết định 167 thực sự là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tại các vùng nông thôn, nhiều ngôi nhà mới được mọc lên, hàng trăm mảnh đời khó khăn, đơn thân được cứu cánh để vươn lên trong cuộc sống. Nhà ở dân cư đạt quy chuẩn, bộ mặt nông thôn được chỉnh trang, vấn đề giảm nghèo và an sinh xã hội từng bước được cải thiện… Nhiều vấn đề cốt lõi trong nông thôn mới được giải quyết cũng từ việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo vừa qua.

Có mặt tại gia đình ông Lê Văn Tình – xã Thạch Thắng (Thạch Hà), tôi thật ái ngại khi được chứng kiến ngôi nhà được xây dựng cách đây gần 25 năm của họ. Nhà đất, tường vách, kèo cột mối mọt gần như toàn bộ…. Đã qua mấy mùa giông bão nhưng mọi người vẫn cố bám trụ ngày này qua năm khác. Hai vợ chống nghèo với dăm sào ruộng và 11 đứa con, có nhìn đâu họ cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện xây nhà dựng cửa.

Phong trào toàn dân ra sức xây dựng NTM đang phát triển rộng khắp
Phong trào toàn dân ra sức xây dựng NTM đang phát triển rộng khắp

Quyết định 167 ra đời thực sự là một cứu cánh, là sự tiếp sức đúng lúc với gia đình họ sau trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua. Giờ đây, bên cạnh ngội nhà xập xệ ấy, một ngôi nhà mới đã mọc lên, dẫu chẳng vôi ve cầu kỳ như người ta, nhưng với họ là cả một nỗ lực, một đại gia tài.

Ông Tình vui vẻ nói: người ta có tiền sửa đông, xây tây, làm cái này cái nọ… nhưng vợ chồng tui thế này là thỏa mãn lắm rồi. Cả trong mơ tui cũng không dám mơ đến ngôi nhà kiên cố thể này.”

Tại xã Tượng Sơn, với mẹ con Chị Hoàng Thị Thảo lại khác. Mẹ góa con côi, sau bao năm bươn chải làm ăn xa quê, chị trở về với hai bàn tay trắng. Trong căn nhà lụp xụp tại quê nghèo Tượng Sơn, bốn mẹ con chị lầm lũi sống qua ngày. Lo cái ăn đã khó, nói gì đến chuyện làm nhà. Tạm bợ qua ngày, biết đến đâu hay đến đó là ý nghĩ khá thường trực vẫn thường đeo đẳng lâu nay. Ngay cả đến lúc này, khi các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc, hỗ trợ làm nhà ở, cơ ngơi đã bắt đầu hiện hình hiện khối thế này mà chị vẫn chưa thể tin nổi. Niềm vui như chợt vỡ òa trong mỗi lời động viên mà mọi người bà con lối xóm, các cấp các ngành mỗi khi đến với chị.

Cũng như nhiều đối tượng khác, ông Tình và chị Thảo đều là hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc đã có nhà nhưng quá tạm bợ, hư hỏng và dột nát, có nguy cơ sụp đổ và không có khả năng tự cải thiện. Chính vì vậy, nói như ông Nguyễn Văn Thìn – CT UBND xã Tượng Sơn thì quyết định 167 ra đời, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những ngôi nhà đại đoàn kết hiện hữu. Dẫu rằng, mức hỗ trợ và hỗ trợ cho vay chỉ hơn 15 triệu đồng mỗi hộ nhưng nó là chất xúc tác để tạo động lực cho mỗi gia đình, là sợi dây kết nối tình cảm để huy động mọi sự tiếp sức từ gia đình, dòng họ và các tổ chức đoàn thể khác.

Theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vấn đề nhà ở dân cư thuộc tiêu chí số 9 và địa phương nào muốn hoàn thành thì phải đạt mức không có nhà tạm, nhà dột nát, phải có 80% tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của bộ xây dựng. Với chương trình 167, trong quá trình thực hiện, hầu hết các địa phương đều đặt ra các yêu cầu cụ thể về chất lượng nhà ở; ít nhất, nó phải đảm bảo được nền cứng, thân cứng và mái cứng, diện tích tối thiểu là 24m2 với thời gian sử dụng tối thiểu là 10 năm. Mẫu mã kiến trúc phù hợp phong tục tập quán của địa phương và điều kiện sinh hoạt của các hộ gia đình...

Theo những ngôi nhà mái ngói mọc lên là những gương mặt hiển hiện nụ cười, là niềm vui của xóm giềng bè bạn. Bộ mặt nông thôn được cải thiện mỗi ngày, nông thôn mới thực sự mới nhờ những ngôi nhà thoát nghèo như vậy...

Trong thực tế, để có được những ngôi nhà đại đoàn kết hoàn toàn không đơn giản. Hầu hết, việc vận động người nghèo làm nhà đều trong điều kiện không có khả năng tự cải thiện. Đó là còn chưa nói đến những vướng mắc tâm linh trong quan niệm tuổi tác, đất đai, những dích dắc trong việc vừa hỗ trợ làm nhà vừa phải chủ động xin đất cho một số hộ. Hộ nghèo, nhà lũ quốn, lại bươn chải xa quê... nếu các tổ chức đoàn thể, anh em không đứng ra làm chủ... thì có lẽ việc xây nhà với họ vẫn mãi chỉ là trong mơ. Quyết liệt, linh hoạt, kiên trì và đầy tình thương trách nhiệm... có lẽ là chân dung những cán bộ mặt trận trong hành trình xoá nghèo cho các vùng nông thôn.

Đến thời điểm này, sau hơn hai năm triển khai thực hiện, huyện Thạch Hà đã cơ bản hoàn thành 916 nhà theo quyết định 167 của chính phủ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 33 tỷ đồng. Cùng với cấp uỷ chính quyền các cấp, mặt trận đã tập trung chỉ đạo, huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. UBND các xã giao cho ban chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và động viên các hộ xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định.

Về điều này, ông Lê Xuân Hường – Chủ tịch UBMTTQ huyện Thạch Hà cho biết thêm: Khi trong chính mỗi vùng nông thôn, sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống, về giá trị hưởng thụ không đến mức phải đo đếm thì lúc ấy, các điều kiện căn bản khác về nông thôn mới sẽ không còn phải trăn trở nhiều. Đây chính là giá trị nền tảng của chính sách làm nhà ở cho hộ nghèo trong việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương hiện nay.

Mỗi ngôi nhà mới mọc lên, với bản thân mỗi gia đình, đây thực sự là một niềm vui trong mơ. Có nhà, đồng nghĩa với sự an cư. Đây là một bước đệm lớn để họ vững vàng vươn lên trong cuộc sống. Tự tin trước xóm giềng, hoà nhập trước cộng đồng làng xã là một trong những yếu tố quan trọng để họ tự thân làm chủ. Nông thôn mới trước hết tự thân mỗi người dân nông thôn muốn đổi mới. Ý nghĩa căn bản trong việc tạo dựng nền tảng của quyết định 167 với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là ở chỗ đó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast