Dân số Thịnh Lộc:

Nói về cuộc sống hôm nay của người dân ở vùng biển ngang Thịnh Lộc (Lộc Hà) anh Trần Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã không dấu nổi niềm vui: “So với mặt bằng chung, xã chúng tôi vẫn còn thua kém lắm. Thế nhưng từ những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân nên đời sống của chúng tôi được cải thiện rất nhiều. Hộ đói đã được xóa, hộ nghèo chỉ còn 22,8% và thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6 triệu đồng /người /năm”.

Thêm những tín hiệu vui

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số trong sự phát triển chung, những năm qua Thịnh Lộc đã sớm đưa công tác dân số vào nghị quyết HĐND xã. Ngoài sự quan tâm chỉ đạo, kêu gọi sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, mỗi năm xã còn trích 5 triệu đồng cho ban dân số hoạt động đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí cho đội ngũ CTV, chuyên trách dân số. Sự quan tâm động viên về vật chất và tinh thần của cấp ủy chính quyền đã thực sự tiếp thêm sức mạnh cho những người làm công tác dân số trên địa bàn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhờ thế, trong những tháng đầu năm, dù chiến dịch chưa về với địa bàn nhưng toàn xã đã có thêm 12 trường hợp sử dụng các BPTT (trong đó có 2 ca đình sản), góp phần nâng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các BPTT lên tới 80% (tăng 5%); tỷ lệ sinh con thứ 3 chỉ còn 15% (giảm 10% so với năm 2008). Dự kiến đến cuối năm nay tỷ lệ sinh con thứ 3 sẽ giảm thêm 1%. Anh Dương Thanh Khiêm - chuyên trách dân số xã cho biết: “Tôi đã gắn bó với công tác dân số trên địa bàn 15 năm, từng trăn trở trước những bước đi thăng trầm của sự gia tăng dân số. Nhưng năm nay với những tín hiệu vui này đội ngũ chuyên trách, CTVchúng tôi mới thực sự cảm thấy nhẹ lòng hơn khi nghĩ về công việc của mình”.

Để có được những con số mang niềm vui ấy, ngoài sự quan tâm của cấp uỷ chính quyền còn phải kể đến những cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ chuyên trách, CTV trên chặng hành trình đến với mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số. Với địa bàn có chiều dài 12km, mật độ dân cư thưa thớt, nhận thức không đồng đều, gần 50% dân số sống phụ thuộc vào nghề biển nên việc bám sát cơ sở để tuyên truyền vận động bà con hết sức khó khăn. Mức phụ cấp 50.000 đồng / tháng cho mỗi CTV không đủ tiền xăng xe cho các chị. Vất vả nhất là những khi có chiến dịch, ngoài tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhiều CTV còn phải đi cấy giúp để vận động bà con, đến từng nhà để chở chị em đi thực hiện các biện pháp KHHGĐ… Khó khăn là thế nhưng với bầu nhiệt huyết trong công việc, đội ngũ CTV - những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vẫn không quản khó khăn để bám sát địa bàn. Và sự cống hiến thầm lặng của họ đã được đền đáp bằng những kết quả đáng ghi nhận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast