Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên

(Baohatinh.vn) - Đó là chủ đề được chọn cho ngày Dân số Thế giới năm nay (11/7). Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, lý do của sự lựa chọn này xuất phát từ thực trạng trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới đang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa.

Nhân ngày dân số thế giới 11/7:

Theo thông tin từ Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), đến thời điểm hiện tại, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có số trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất, với 59 triệu em. Tiếp sau là Đông Á và Nam Á cùng với khu vực Tây Phi và Trung Phi với 8 triệu em; các quốc gia Ả Rập 3 triệu em; khu vực Đông Âu và Trung Á 1 triệu em. Đặc biệt, tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái độ tuổi từ 15-17 sinh con. Ước tính, số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca; 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi.

dau tu cho tre em gai vi thanh nien

Tuyên truyền các kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái vị thành niên ở phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh).

Tại Hà Tĩnh, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 300 trẻ em gái vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi hầu hết các đối tượng thanh niên chưa kết hôn, vị thành niên mang thai ngoài ý muốn khi đến các địa chỉ thực hiện dịch vụ nạo hút thai đều yêu cầu giữ bí mật. Hà Tĩnh đang là một trong những tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao (112 nam/100 nữ).

Ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, tình trạng tảo hôn dẫu không nhiều nhưng vẫn còn hiện hữu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày vẫn luôn phản ánh, đưa tin những sự việc đau lòng về tình trạng trẻ em gái bị xâm hại tình dục… Thực trạng đó đang đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho trẻ em gái vị thành niên.

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Với những nỗ lực trong việc tạo điều kiện giúp đỡ trẻ em gái vị thành niên, thời gian qua, ngành Dân số tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đó là thực hiện mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân với nhiều chương trình, hoạt động, như: khám sức khỏe, giao lưu, đối thoại, sinh hoạt CLB, góc thân thiện…; biểu dương, động viên trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chăm ngoan học giỏi…”.

Với 1.152 buổi sinh hoạt CLB, gần 3.000 buổi truyền thanh, hơn 1.700 buổi tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và khám sức khỏe cho hơn 11.000 thanh niên, vị thành niên, mô hình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân đã mang lại kết quả thiết thực. Từ những sân chơi hấp dẫn, những hoạt động bổ ích ấy đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn thanh niên, vị thành niên, trong đó có trẻ em gái được cung cấp thêm kiến thức, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, về quan hệ bạn bè, tình dục, tình yêu…

Phó Bí thư Đoàn phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) Kiều Thị Ngân cho biết: “Mô hình CLB tiền hôn nhân trên địa bàn chúng tôi đã được triển khai từ 4 năm nay, thu hút hơn 300 thành viên tham gia. Với những hoạt động phong phú như truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, phát tờ rơi, các em đã có sân chơi, diễn đàn hấp dẫn, có thể bộc bạch những điều khó nói về sức khỏe sinh sản”.

Em Lê Thị Kim Liên - học sinh lớp 9 ở tổ dân phố La Giang cho biết: “Thông qua hoạt động của CLB đã cho chúng em cơ hội hiểu thêm những kiến thức về sức khỏe sinh sản, về những thay đổi thể chất, tâm sinh lý để có hành vi, lối sống lành mạnh”.

Việc đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên còn được thể hiện qua hoạt động tổ chức gặp mặt, tôn vinh những em chăm ngoan, học giỏi. Theo báo cáo từ Chi cục

DS-KHHGĐ, những năm gần đây, các địa phương đã tổ chức 431 cuộc gặp mặt, biểu dương, khen thưởng 1.066 cháu gái (con của những gia đình hai con một bề là gái) chăm ngoan, học giỏi. Thông qua hoạt động này, vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái ngày càng được nâng lên.

Em Nguyễn Thị Thanh Mai (thôn 4, xã Xuân Hồng - Nghi Xuân) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng luôn phấn đấu học tập tốt. Được ngành Dân số vinh danh, em bày tỏ: “Em cảm thấy rất vui, tự hào và càng hiểu thêm nỗi vất vả của mẹ tần tảo nuôi em khôn lớn. Em sẽ cố gắng hết mình trong học tập và tu dưỡng để trở thành người có ích cho xã hội”.

Những hoạt động thiết thực của ngành dân số sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm tăng thêm cơ hội để trẻ em gái vị thành niên có thể yêu cầu thực hiện các quyền của mình, nhận ra được những ước mơ, hoài bão để phấn đấu.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast