Đề xuất hỗ trợ người dân sau tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện

Người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thuỷ điện có thể được hưởng nhiều hỗ trợ như: Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ bảo vệ rừng và phát triển rừng; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại dự thảo Quyết định về chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện.

Theo dự thảo, hộ sau tái định cư là hộ dân tái định cư và hộ dân được sinh ra từ hộ dân tái định cư có từ một người trở lên hợp pháp và đang sinh sống tại điểm tái định cư tập trung hoặc xen ghép theo quy hoạch di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thuỷ điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Các hộ trên tham gia dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sản xuất sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ như: Hỗ trợ một lần tiền mua giống và hỗ trợ 3 năm tiền mua phân bón để chuyển từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm như: chè, cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn quả và cây nguyên liệu sinh học. Hỗ trợ tiền mua giống và phân bón cho 3 vụ sản xuất liên tiếp để chuyển đổi cơ cấu giống đối với cây ngắn ngày, bao gồm: Cây lương thực, cây dược liệu và các loại cây khác theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hỗ trợ 2 lần tiền mua giống gia cầm và thuỷ sản hoặc 1 lần tiền mua giống gia súc với mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, đối với hộ nghèo, ngoài được hưởng các chính sách trên còn được hỗ trợ khác như: Hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/hộ để cải tạo ao nuôi thủy sản có diện tích ao từ 100 m2 trở lên; hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ một lần cho hộ để mua giống cỏ trồng phát triển chăn nuôi trâu, bò với mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/ha đất trồng cỏ; hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi bằng 100% lãi suất cho vay hộ nghèo để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề, mức vay được hỗ trợ tối đa là 15 triệu đồng/hộ, thời gian hỗ trợ lãi suất là 3 năm; hỗ trợ lương thực cho các hộ thiếu đói (nếu có), mức hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng, thời gian hỗ trợ 3 tháng/năm.

Hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng

Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hộ sau tái định cư nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên (có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng) sẽ được hưởng mức khoán 300.000 đồng/ha/năm.

Ngoài ra, hộ sau tái định cư tham gia trồng rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy chưa được cải tạo thành ruộng bậc thang nằm trong diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp sẽ được trợ cấp gạo. Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng, mỗi ha không quá 700 kg/năm và mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng.

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ một lần cho hộ sau tái định cư được giao đất trồng rừng sản xuất không quá 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng rừng.

Hỗ trợ học nghề

Ngoài ra, người lao động thuộc hộ sau tái định cư và hộ gia đình khi Nhà nước đã thu hồi một phần diện tích đất sản xuất để thực hiện dự án thủy lợi, thủy điện có nhu cầu đào tạo, học nghề sẽ được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được hỗ trợ chi phí.

Cụ thể: Học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng) được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được Nhà nước trả học phí cho một khóa học. Mức học phí được Nhà nước trả bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng công lập theo quy định của pháp luật.

Nếu có nhu cầu tìm việc làm sẽ được hỗ trợ tư vấn học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn: chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast