Giải quyết hồ sơ tồn đọng chính sách - nhiều nỗ lực vẫn không dứt điểm!

Từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xác nhận 14.473 đối tượng thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp; việc xác lập, giải quyết những chính sách tồn đọng sau chiến tranh trên cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng còn nẩy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm…

Từ những chủ trương đúng…

Thực hiện Thông tư 09, Hà Tĩnh đã tổ chức quán triệt, triển khai việc lập hồ sơ người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2004, có 10.485 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách như thương binh của các đối tượng là dân công hoả tuyến và dân quân du kích. Tuy nhiên, trong thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và toàn quốc nói chung nổi lên tình trạng lập hồ sơ sai sự thật để hưởng chính sách nên Cục Chính sách người có công đã có công văn số 1115 tạm thời đình chỉ việc tiếp nhận và giải quyết chính sách đối với hồ sơ xác lập trên cơ sở 2 người làm chứng (theo thông tư 27/1999/LĐTBXH ngày 03/11/1999).

"Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta (ảnh minh họa) - Ảnh: Internet.
"Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta (ảnh minh họa) - Ảnh: Internet.

Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ giải quyết tồn đọng. Sau rà soát, cấp cơ sở đã loại 3.429 hồ sơ không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, còn lại 7.056 hồ sơ được chuyển về Sở LĐTB -XH để xem xét và giới thiệu giám định. Trong đó có 3.678 hồ sơ được giám định thương tật.

Ngày 22-5-2006, Bộ LĐTB-XH có công văn số 388/TBLSNCC tiếp tục cho xem xét, giải quyết đối với những hồ sơ đã giám định thương tật trước ngày 5-12-2005. Nhằm hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Bộ thẩm định, Sở đã chuyển trả 3.678 hồ sơ này về các huyện, thị tổ chức cho đối tượng bổ sung sai sót theo Hướng dẫn số 583 ngày 20/6/2006. Sau đó, Sở thành lập tổ thẩm định hồ sơ, xem xét cụ thể trước ngày 30-9-2006 theo quy định của công văn 388/TBLSNCC. Kết quả ra soát, Sở LĐTBXH đã báo cáo Cục Người có công và ra quyết định thực hiện chi trả chế độ cho 1.218 hồ sơ đủ điều kiện

Đến sự nỗ lực của các cấp, ngành…

Trong 2.460 hồ sơ không đủ điều kiện, có một số hồ sơ có một người làm chứng có lý lịch gốc đơn vị cụ thể và một người làm chứng có lí lịch cùng vùng hoặc bổ sung thêm người làm chứng cùng đơn vị sau ngày 30-9-2006 (thời điểm chấm dứt việc xác lập hồ sơ – PV). Đây là những hồ sơ đã được các cấp từ cơ sở đến huyện, thị xã, thành phố rà soát và cam kết đúng đối tượng, có bị thương đã được giám định thương tật trước ngày 5-12-2005.

Mặc dù theo quy định, việc rà soát kết thúc trước ngày 30-9-2006 nhưng để đảm bảo công bằng, có lý, có tình trong xử lý chính sách, UBND tỉnh và Sở LĐTB -XH đã nhiều lần trực tiếp trao đổi, có công văn đề nghị Bộ LĐTB -XH xem xét, giải quyết. Được Bộ đồng ý, Sở LĐTB -XH đã rà soát được 870 hồ sơ đảm bảo các yêu cầu theo công văn hướng dẫn số 717/NCC ngày 20-2-2008 trình lên Cục người có công xem xét. Cục NCC cử đoàn cán bộ vào thẩm định cụ thể hồ sơ, quy trình xử lý và có 459 hồ sơ đủ điều kiện hưởng chính sách.

Đối với 2001 hồ sơ không đủ điều kiện chủ yếu là do: người làm chứng không ghi rõ đơn vị cụ thể, cơ quan cấp giấy chứng nhận bị thương sai thẩm quyền, người khai ghi thêm đơn vị, tẩy sửa hoặc mâu thuẫn về thời gian xác lập, Sở đã lập danh sách gửi về các huyện, thị xã, thành phố để trả lời cho các đối tượng. Sau khi danh sách được công bố, một số đối tượng đã có đơn thư khiếu nại.

Nỗ lực tìm giải pháp giải quyết để ổn định tình hình, UBND tỉnh đã ký cam kết tập thể và đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục xem xét giải quyết chính sách đối với hồ sơ tồn đọng theo hướng chấp nhận một số khiếm khuyết có thể khắc phục được. Ngày 3-3-2009, Bộ LĐTB -XH đã ban hành kế hoạch số 611/KH-BLĐTBXH hướng dẫn việc giải quyết hồ sơ tồn động. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai xuống tận cơ sở.

Tiếp tục rà soát và chính quyền các cấp ký cam kết với từng đối tượng và tổng hợp trình Bộ 2.419 hồ sơ (trong đó: có 418 hồ sơ nằm ở các huyện, thị xã cũng được đưa vào trình xem xét theo kế hoạch 611) để Cục Người có công – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét. Sau khi thẩm định, Bộ LĐTB -XH có công văn 451 ngày 9-2-2010 đồng ý cho Hà Tĩnh hoàn thiện thủ tục, giới thiệu giám định để làm căn cứ giải quyết chế độ cho 430 trường hợp và Bộ đang tìm phương án xử lý 232 hồ sơ một người làm chứng có lý lịch chứng minh cùng đơn vị, một người làm chứng cùng vùng hoạt động.

Nguyên nhân của mọi rắc rối

Có thể nói, với những nỗ lực cố gắng của các cấp ngành, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Sở LĐTB -XH, đã có 1.677 hồ sơ tồn đọng theo tinh thần của thông tư 09 được giải quyết. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết, hay nói đúng hơn là không đủ điều kiện giải quyết dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng liên tục khiếu nại lên các cấp ngành.

Ông Nguyễn Sỹ Thoại, công dân tiểu khu 3 – khu Châu Phố – thị trấn Kỳ Anh đứng đơn đại diện cho những người đã làm hồ sơ thương tật nhiều năm trên địa bàn mà chưa được hưởng chế độ, nội dung đơn nêu rõ: …Sau khi hoàn tất hồ sơ, năm 2003, chúng tôi được Sở LĐTBXH cho đi giám định thương tật. Kết quả giám định cũng như các chế độ hiện hành, 7 năm qua đã niêm yết nhiều lần tại địa phương, không ai có ý kiến phản đối gì. Vậy mà đến nay, không hiểu vì sao chúng tôi vẫn chưa được hưởng chế độ?

Ngoài ra, rất nhiều người ở những địa phương khác đã có đơn khiếu nại gửi đến Toà soạn với nội dung tương tự.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do công tác xác lập, soát xét hồ sơ ngay từ ban đầu không được tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ. Theo quy định, quy trình xây dựng hồ sơ hưởng chính sách như thương binh trước hết đối tượng làm hồ sơ viết đơn xin hưởng chính sách, có 2 người làm chứng cùng đơn vị, sau đó xóm, xã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến xác nhận và trình hồ sơ lên huyện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND cấp huyện xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương và hoàn thiện hồ sơ chuyển về Sở LĐTB -XH. Từ đó, Sở sẽ soát xét từng bộ hồ sơ, cho đi giám định và trình lên Bộ LĐTB -XH phê duyệt.

Đối với những trường hợp đủ điều kiện sẽ được niêm yết công khai tại địa phương, khi không có ý kiến phản đối của người dân mới tổ chức ra quyết định cho hưởng chính sách như thương binh. Tuy nhiên, do thời điểm ban đầu, công tác soát xét tương đối sơ sài dẫn đến việc các đối tượng đua nhau xây dựng hồ sơ. Hiện tượng làm hồ sơ hưởng chính sách như thương binh trở thành “phong trào” của cả tỉnh và từ đó xuất hiện những “con cò”. Một số đối tượng đã đứng ra thành lập đường dây, từ làm chứng, giám định đều được làm khống dẫn đến nhiều bộ hồ sơ sai sót không thể bổ sung để giải quyết sau này.

Mặc dù đường dây làm giả hồ sơ đã được Công an điều tra, khám phá, những đối tượng trong đường dây “cò mồi” đã bị bắt, trong đó có cả cán bộ của Sở LĐTB -XH nhưng hậu quả để lại là vô cùng lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 10.000 hồ sơ được xác lập là con số khổng lồ mà trong đó không ít hồ sơ hoàn toàn không có con người thật. Cũng có thể đối tượng là có thật, đáng được hưởng chính sách nhưng khi làm hồ sơ, ngay cả họ cũng không đặt bút kí vào, mọi việc “cò lo trọn gói” nên hồ sơ là giả.

Vì thế, sau nhiều tháng ngày miệt mài soát xét kỷ từng bộ hồ sơ, Sở LĐTB -XH chuyển trả về cho các địa phương rà soát lại. Mặc dù Sở đã có công văn hướng dẫn, tổ chức tập huấn cụ thể nhưng công tác rà soát của một số địa phương vẫn mang tính chiếu lệ. Nhiều đơn vị không tổ chức rà soát một cách bài bản, đầy đủ các quy trình dẫn đến nhiều bộ hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần vẫn sai sót. Điều đó lý giải vì sao có hàng nghìn bộ hồ sơ được tổ chức rà soát nhiều lần vẫn không đảm bảo đầy đủ các điều kiện.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, sau khi Sở chuyển hồ sơ về rà soát, những địa phương tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ thì số hồ sơ đề nghị hưởng chính sách giảm hẳn và đảm bảo đủ điều kiện. Điển hình như Cẩm Xuyên từ hơn 1.400 hồ sơ sau rà soát chỉ còn lại hơn 200 bộ; Thành phố Hà Tĩnh không có hồ sơ và Huyện Thạch Hà rất ít hồ sơ tồn đọng, đơn thư khiếu nại cũng làm khá tốt. Với những đơn vị mà việc soát xét sơ sài thì hồ sơ vẫn còn nhiều, sai sót nhiều, không đủ điều kiện xét duyệt nên đến nay, số đối tượng tiếp tục khiếu kiện đông.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các đối tượng đã làm hồ sơ mà không được hưởng chính sách tiếp tục khiếu kiện đó là do các quy định, công tác thẩm định hồ sơ của Bộ LĐTB -XH còn nhiều bất cập. Theo Thông tư 27/1999 thì việc làm chứng là: “Giấy xác nhận viết bằng tay của của 2 người cùng đơn vị hoặc của cơ quan cũ nơi người bị thương công tác” nên bất kỳ ai cùng đơn vị cũng có thể làm chứng dù lúc người lập hồ sơ bị thương họ đã chuyển đơn vị, không chứng kiến. Sau đó, để xiết chặt việc xác lập hồ sơ, Bộ LĐTBXH lại yêu cầu người làm chứng phải cùng phiên hiệu, cùng thời gian hoạt động với người bị thương.

Rồi lại có lúc, Bộ quyết định công nhận 459 bộ hồ sơ bổ sung trước ngày 30-9-2006; hồ sơ một người làm chứng cùng đơn vị, một người cùng vùng nhưng sau đó, cũng với dạng hồ sơ này thì không được tiếp tục xem xét. Điều này lý giải vì sao hiện nay, nhiều đối tượng cho rằng, Bộ không công bằng vì cũng làm hồ sơ như nhau, cùng điều kiện như nhau mà có người được xét duyệt người thì không.

Lời kết

Có thể khẳng định, trong số đông những người liên tục khiếu nại về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện nay, nhiều người trên thực tế đủ điều kiện để được hưởng chính sách nhưng do hồ sơ xác lập không đủ điều kiện và không bổ sung được ở từng thời điểm và có sự tắc trách của cán bộ cơ sở nên hồ sơ của họ không đáp ứng các điều kiện quy định. Đây là một thiệt thòi lớn mà họ phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi một số đối tượng làm hồ sơ theo “phong trào”, đã mất nhiều kinh phí nên “của đau, con xót”, khiếu kiện gây áp lực để mong vớt vát phần nào. Tuy nhiên, việc phân loại, đánh giá đúng người hiện đang là một bài toán nan giải của các cấp, ngành. Mà trên hết, vẫn là chủ trương tiếp tục xem xét, giải quyết của Bộ LĐTB -XH.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐTB -XH cho biết: Trên quan điểm quyền được hưởng chính sách của đối tượng là nghĩa vụ của ngành, Sở LĐTB -XH đã vào cuộc một cách quyết liệt, đồng hành cùng đối tượng tồn đọng trong suốt cả quá trình. Với chúng tôi, thêm một bộ hồ sơ được giải quyết chính sách là đạt tỷ lệ thắng lợi 100% cho đối tượng đó, vì vậy, việc soát xét hồ sơ được thực hiện cẩn trọng, không kể ngày đêm.

Tuy nhiên, Sở LĐTB -XH chỉ ra quyết định khi đã được Bộ phê duyệt với các hồ sơ đủ điều kiện. Hiện tại, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh uỷ, Đoàn đại biểu quốc hội và có phiên làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để sớm có phương án giải quyết, có công văn đề nghị Bộ sớm xem xét, với đặc thù của Hà Tĩnh để giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng, góp phần ổn định tình hình chính trị của tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast