Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

(Baohatinh.vn) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những nỗ lực của toàn ngành, các lĩnh vực chính sách người có công, dạy nghề, GQVL, XĐGN ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Đông đảo người lao động đến tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm Khu kinh tế Vũng Áng.
Đông đảo người lao động đến tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm Khu kinh tế Vũng Áng.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những nỗ lực của toàn ngành, các lĩnh vực chính sách người có công, dạy nghề, GQVL, XĐGN ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đồng thời trực tiếp tiến hành nhanh chóng, chính xác và thỏa đáng các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương chi trả kịp thời trợ cấp thường xuyên và 1 lần trên 51 nghìn người, giải quyết chế độ mới cho 64 đối tượng chất độc da cam, 140 cán bộ tiền khởi nghĩa và lão thành cách mạng, 266 đối tượng bị địch bắt tù đày; cấp, đổi thẻ BHYT 78.577 đối tượng; điều dưỡng tập trung 2.954 người và cấp kinh phí điều dưỡng tại nhà 21.485 người.

Với sự quan tâm của Nhà nước và chăm lo của toàn xã hội, hiện 100% xã, phường trong toàn tỉnh được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; 96% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư.

Năm qua, hoạt động đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh nhà. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên của một số trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) được đầu tư bài bản, chu đáo thể hiện sự quyết tâm cao độ của toàn tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Toàn tỉnh hiện có 1 trường ĐH, 3 CĐ nghề, 5 trường trung cấp nghề và 34 trung tâm dạy nghề. Với sứ mệnh đào tạo nhân lực phục vụ tỉnh nhà, các trường: ĐH Hà Tĩnh, CĐ Nghề Việt - Đức, CĐ Nghề công nghệ và các trường nghề trong tỉnh đang tập trung mở rộng ngành nghề đào tạo, đặc biệt, tập trung đào tạo các ngành, nghề đang có nhu cầu cao như xây dựng, công nghệ thông tin, hóa dầu – hóa chất, ngoại ngữ, cơ khí hàn, gò, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật lái máy công trình…

Không những vậy, các trường học còn chủ động liên kết đào tạo với các trường CĐ-ĐH trong nước, vì vậy, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Từ đầu năm lại nay, đã có 23.221 lượt người được đào tạo nghề, liên kết đào tạo gần 5 nghìn học viên. Thông qua đề án 1956 của Chính phủ cũng đã đào tạo nghề cho 7.956 lao động nông thôn, qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 41% (tăng 2,5% so với năm 2012).

Năm 2013, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó chủ đạo là ngành LĐ-TB&XH, toàn tỉnh GQVL cho 30.150 lượt người, đặc biệt là lao động tại các vùng dân cư bị thu hồi đất nông nghiệp. Trong đó, xuất khẩu lao động là một trong những mũi nhọn. Mặc dù sự chịu tác động của khủng hoảng chính trị tại một số nước, nhưng tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, mở rộng và phát triển các thị trường mới. Vì vậy, Hà Tĩnh đã đưa 5.320 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tập trung chủ yếu là thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan...

Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm, tham mưu hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu gắn với phân công, phân nhiệm cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, công khai, minh bạch trong phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí. Nhờ đó, chương trình mục tiêu giảm nghèo, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đồng bộ, phát huy hiệu quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo và chuyển biến tốt; công tác tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động, bình đẳng giới được thực hiện kịp thời...

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tập trung chăm lo GQVL cho người dân nông thôn, vùng tái định cư. Nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề cho người lao động, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao, ổn định, qua đó, phấn đấu GQVL cho 30 nghìn lượt lao động. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng NTM, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về chi trả kịp thời chế độ, chính sách người có công theo Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; đồng thời phối hợp các địa phương, đơn vị rà soát, xác nhận, giải quyết chế độ kịp thời cho các đối tượng mất giấy tờ trong chiến tranh; đẩy mạnh huy động nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ người có công xây dựng nhà ở, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần và các hoạt động tri ân người có công với cách mạng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast