Lo nhà cho người nghèo

Năm 2005, Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tranh tre dột nát. Sáu năm sau, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đi đầu về việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/CP và 67/CP của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 167 &67) với hơn 10 nghìn hộ nghèo trên vùng quê “chảo lửa, túi mưa” có được niềm vui về những ngôi nhà mới.

Người nghèo dưới mái ấm nghĩa tình

Trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang mới xây, bà Trần Thị Hồng ở xóm 1, xã Đồng Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Chồng tui nguyên là cán bộ xã Đồng Lộc vào những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Ngã ba Đồng Lộc. Ông ấy ra đi sau cơn bạo bệnh”. Sau khi chồng mất, cuộc sống của mẹ con bà khó khăn hơn bao giờ hết. Ở dưới nếp nhà tồi tàn, ý nghĩ về một ngôi nhà kiên cố của mẹ con bà Hồng chỉ tưởng như trong mơ. Khi nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh cộng thêm tiền vay ngân hàng, gia đình bà Hồng còn được bà con trong xóm giúp công sức, tiền, vật liệu…để xây nhà. Ngồi trong ngôi nhà mới, bà Hồng nghẹn ngào: “Nếu không có chủ trương, chính sách Đảng, Chính phủ và sự giúp đỡ của cộng đồng thì mẹ con tui không bao giờ có ngôi nhà trong mơ này !”. Đây sẽ là động lực thôi thúc người nghèo như bà Hồng cố gắng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống no ấm hơn.

Từ khi có căn nhà mới khang trang, chị Đặng Thị Hiên ở xóm Trung Xá, - xã Xuân Lộc (Can Lộc) càng yên tâm sản xuất
Từ khi có căn nhà mới khang trang, chị Đặng Thị Hiên ở xóm Trung Xá, - xã Xuân Lộc (Can Lộc) càng yên tâm sản xuất

Đồng Lộc địa chỉ đỏ, nơi có ngã ba Đồng Lộc lịch sử anh hùng, nơi một thời kiên cường đối đầu với sự tàn ác của giặc Mỹ (bình quân mỗi m2 hứng chụi ba quả bom), tuy tỷ lệ đói nghèo đang còn cao so với cả nước nhưng 100% số hộ đã có nhà ngói. Trong đó có nhiều ngôi nhà còn tươi màu ngói đỏ của các gia đình nghèo thuộc diện chính sách được xây dựng theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các nhà hảo tâm và nhân dân.

Niềm vui của bà Hồng cũng chính là niềm vui chung của nhiều hộ gia đình chính sách ở xã Tiến Lộc, nơi có làng K130 huyền thoại. Nơi đây, 130 gia đình trong làng Hạ Lội chỉ trong đêm 13.8.1968 đã tự nguyện dỡ nhà cửa lót đường cho đoàn xe chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nay chính tại nơi này, 100% số gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ở Tiến Lộc được sống trong những ngôi nhà chính sách ấm áp nghĩa Đảng, lòng dân. Những gia đình chị Võ Thị Hường, Hà Thị Lục, anh Nguyễn Đình Hằng…sẽ không bao giờ có được ngôi nhà mới khang trang nếu không có chính sách hỗ trợ của Chính phủ và chia sẻ đóng góp của nhân dân làng xóm.

Với truyền thống thống “tương thân tương ái”, “ lá rách ít đùm lá rách nhiều” người dân Can Lộc đã biết đùm bọc hỗ trợ nhau để cùng vươn lên. Bí thư Huyện ủy Can Lộc, Bùi Đức Hạnh cho biết: Chuyện 1.500 gia đình nghèo ở huyện Can Lộc được giúp đỡ xóa tranh tre dột nát sáu năm về trước cùng với 674 gia đình nghèo, chính sách hôm nay được hỗ trợ xây dựng nhà ở của Chính phủ thể hiện một cách sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Huyện lúa Đức Thọ, một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong việc hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo. Trong phong trào hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo ở Đức Thọ đã xuất hiện nhiều gương điển hình, những việc làm của họ không những mang hơi ấm của xã hội đến với người nghèo mà còn tạo dựng mối liên hệ gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ông Phan Văn Thuận, bí thư chi bộ xóm Đồng Tâm, xã Đức Đồng đã đứng ra làm chủ thầu “bất đắc dĩ” trong xây dựng nhà ở cho gia đình có hoàn cảnh éo le. Anh Phan Đình Văn đã hơn 10 năm “làm bạn” với giường bệnh bởi suy tim cấp 4 và tê liệt nửa người. Anh nói: “Bần túng, đói nghèo cứ thế bám riết lấy gia đình tôi. Do vậy việc có ngôi nhà mới gia đình tui không bao giờ dám nghỉ đến”. Còn chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi: “Khi bác Thuận đến thông báo gia đình được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo QĐ 167, gia đình ai cũng lặng người không tin đó là sự thật. Anh Văn nằm trên giường bật khóc và khăng khăng từ chối việc xây nhà. Anh nói, dù nhà nước có hỗ trợ, cho vay tiền để xây nhà, nhưng với hoàn cảnh gia đình mình làm sao mà làm nổi. Bác Thuận đã phân tích thấu đáo đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chia sẻ của cộng đồng, đây là cơ hội để gia đình có nhà mới. Đến khi bác Thuận hứa với gia đình sẽ đứng ra làm “chủ thầu” và vận động bà con giúp đỡ thì nhà tui mới dám gật đầu”. Hàng ngày, ông Thuận lặn lội khắp làng trên xóm dưới, liên hệ với các cửa hàng buôn bán vật liệu tín chấp, mua nợ nguyên vật liệu, vận động các đoàn thể trong thôn vận động đóng góp thêm vật liệu, tiền bạc, ngày công để hơn hai tháng sau, gia đình anh Văn mới thực sự “sống cái nhà…” - một ngôi nhà trong mơ, trị giá hơn 50 triệu đồng. Ở thôn Đồng Tâm, ông Thuận còn đồng “chủ thầu” xây nhà ở cho anh Nguyễn Bá Thanh, sinh 1962 bị bệnh tâm thần, vợ bỏ…

Gia đình chị Hà, anh Văn ở Đức Đồng (Đức Thọ) trước căn nhà mới xây
Gia đình chị Hà, anh Văn ở Đức Đồng (Đức Thọ) trước căn nhà mới xây

Ở vùng quê người dân quanh năm vật lộn với thiên tai khắc nghiệt, với 50% dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo, nhưng từ năm 2002 lại nay, xã Đức Đồng (Đức Thọ) đã xây được gần 250 nhà cho hộ nghèo, trong đó có 66 hộ bị bệnh tâm thần hay thần kinh không bình thường, đây là thành quả đáng trân trọng. Trong đó có sự đóng góp đáng kể công sức của nhiều “nhà thầu” bất đắc dĩ như ông Thuận và sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cùng người dân. Đặc biệt, sự giúp sức của các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh cùng cán bộ viên chức huyện Đức Thọ. Riêng ở Đài PT&TH huyện Đức Thọ thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trích tiền lương của mình để cùng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho một gia đình mà chủ hộ bị tâm thần…

Lên huyện miền núi Hương Khê, có hơn 1/2 số hộ nghèo và cận nghèo, lo cái ăn đã khó nói gì đến chuyện làm nhà khang trang. Riêng trận lũ kép lịch sử tháng 10 năm 2010 để lại cho Hương Khê hậu quả nặng nề, hàng nghìn ngôi nhà của nhân dân bị tàn phá nghiêm trọng, đời sống dân sinh bị ảnh hưởng nặng nề. Bí thư Huyện ủy Hà Hùng bày tỏ: Nhờ sự hỗ trợ của QĐ 167 và 67 cùng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Hương Khê cơ bản hoàn thành việc xây dựng gần 2.200 ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, góp phần ổn định an sinh ở miền Tây Hà Tĩnh.

Mỗi địa phương đều có cách làm sách tạo. Do thời gian triển khai ngắn, số lượng nhà xây lại lớn nên nhiều địa phương đã ưu tiên việc tập trung vận động bà con đóng góp tiền của, vật liệu: đá, cát, gỗ…(ở các huyện miền núi việc này triển khai khá tốt) cùng ngày công để làm san lấp mặt bằng, lợp ngói, vệ sinh… Phần còn lại thuê xây dựng làm nên chất lượng nhà được đảm bảo và hình thức đẹp.

Động lực mới cho tỉnh nghèo

Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Hà Tĩnh vốn là tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào xóa nhà tranh tre, dột nát, đến năm 2005 đã cơ bản xóa hết (hơn 12.000 ngôi nhà) tranh tre, dột nát. Có QĐ 167 & 67 của Chính phủ là cơ hội tốt để tỉnh nghèo Hà Tĩnh thêm cơ hội tiếp sức giúp hộ nghèo, gia đình chính sách làm nhà ở. Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh xuống tận cơ sở, tập trung quán triệt và triển khai việc thực hiện các quyết định trên. Nhờ có kinh nghiệm trong xóa nhà tranh tre, dột nát trước đó, nên việc triển khai các quyết định này cũng khá thuận lợi; đồng thời, tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Hơn lúc nào hết, nét đẹp văn hóa của người dân Hà Tĩnh về tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng được phát huy, dân chủ cơ sở được đẩy mạnh. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; đặc biệt mặt trận các cấp đã huy động được sức mạnh của các đoàn thể và sự chia sẻ của cộng đồng cùng các nhà hảo tâm, hơn 10 nghìn nhà tạm bợ ở Hà Tĩnh được dần thay thế bằng những ngôi nhà “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), góp phần làm bộ mặt nông thôn thay đổi khang trang, bắt nhịp kịp với chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, nhiều gia đình từ sau khi được “an cư” đã có thể “lạc nghiệp”, nhanh chóng vươn lên thoát đói, thoát nghèo.

Từ khi có nhà mới, con cái anh Hữu Bình ở xóm Văn Hộ - Xuân Lộc có chỗ học hành tốt hơn
Từ khi có nhà mới, con cái anh Hữu Bình ở xóm Văn Hộ - Xuân Lộc có chỗ học hành tốt hơn

Tháng 7 vừa qua, tình cờ gặp du khách người Mỹ ở Ngã ba Đồng Lộc. Khi nghe chúng tôi giới thiệu về việc tỉnh nghèo (thu nhập bình quân bằng 1/45 nước Mỹ) Hà Tĩnh đã cơ bản lo xong nhà ở cho người nghèo, du khách này tỏ vẻ bất ngờ và khâm phục tính nhân văn của chế độ ta. Bởi theo ông, giàu có như nước Mỹ mà vẫn có những người dân đang ở trong những khu ổ chuột, gầm cầu, côngtenơ…

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng “trơn tru”, trong đó có việc một số địa phương xác định chưa thật chính xác số hộ thật sự cần sự hộ trợ làm nhà ở. Và nhất là lúc “bước chạy đà” bắt đầu triển khai các quyết định trên. Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hiền Lương chia sẻ: giai đoạn đầu thực hiện ở Nghi Xuân gặp rất nhiều khó khăn bởi những bỡ ngỡ, lung túng trong việc tiếp thu các văn bản ban hành. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản hướng dẫn và thực tế địa phương, những khó khăn, bỡ ngỡ từng bước được tháo gỡ. Nghi Xuân đã xã hội hóa nguồn huy động hơn 12,2 tỷ đồng và hàng chục vạn ngày công lao động… góp sức giúp 550 hộ nghèo làm nhà ở. Xã biển ngang Cương Gián đất chật người đông còn quy hoạch một vùng đất mới để làm nhà ở cho hộ nghèo.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cho biết thêm: Một địa phương như Hà Tĩnh mới cân đối thu chi được hơn 20%, thu nhập đầu người thấp thua bình quân chung của cả nước; đặc biệt trận lũ lịch sử năm 2010 đã tàn phá cơ sở hạ tầng xã hội (trong đó có nhà ở) nhiều năm sau vẫn chưa khắc phục xong, vậy mà trong vòng ba năm qua đã làm xây mới được hơn 10 nghìn ngôi nhà ở cho người nghèo. Theo con số báo cáo, bình quân mỗi ngôi nhà làm theo QĐ 167 & 67 đều gấp ba, gấp bốn lần số tiền hỗ trợ và cho vay. Hà Tĩnh làm như thế nào để huy động vật lực lớn như vậy để làm nhà cho hộ nghèo?. Bên cạnh việc xã hội hóa nguồn đóng góp của nhân dân, Hà Tĩnh đã mạnh dạn trích một khoản ngân sách tương đối; đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhất là sự đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty trong các dịp kỷ niệm, giao lưu...

Trong dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, các nhà tài trợ đã ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo gần 160 tỷ đồng. Từ đó, Hà Tĩnh đã có thêm nguồn vốn không nhỏ để hỗ trợ từ 4-6 triệu đồng/nhà cho hộ nghèo. Quyết định 167 và 67 của Thủ tướng Chính phủ như mũi tên bắn trúng nhiều đích, không những giúp Hà Tĩnh giải quyết được bài toán an sinh xã hội, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ lịch sử năm 2010 gây ra; Quyết định trên còn tạo động lực cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong việc thực hiện chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast