Ngày giỗ chung và ước nguyện của người dân làng Quý…

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về trận bom kinh hoàng của giặc Mỹ vào rạng ngày 25/9/1972 đã cướp đi sinh mạng của 23 người (có gia đình chết 7 người), bị thương 23 người, với người dân làng Quý, xã Thạch Liên (Thạch Hà) hôm nay vẫn chưa thể nguôi ngoai...

Ký ức về trận bom kinh hoàng…

Khoảng 4h30’ ngày 25/9/1972, đang mơ màng trong giấc ngủ, cậu bé Nguyễn Đình Tường bỗng thột giấc, tỉnh dậy bởi tiếng bom nổ chát chúa, khói bụi đặc trời, tiếng la hoảng của bà con làng xóm. Mới 8 tuổi, nhưng đã dạn dày với chuyện đối phó với máy bay ném bom của giặc Mỹ, Trường liền trườn ra bụi để xuống hầm, được nửa đường, cậu nghe một tiếng nổ ở nhà ông Lê Văn Tam, xen lẫn tiếng kêu của ông. Liền sau đó, lại một tiếng nổ đinh tai, nhức óc, tiếng ông Tam im bặt cùng lửa khói đỏ ngầu…

ngay gio chung va uoc nguyen cua nguoi dan lang

Anh Nguyễn Đình Tường, ông Phan Văn Tiến (thứ nhất và thứ 3 từ trái sang) trò chuyện cùng tác giả và các nhân chứng khác.

Sau 30 phút quần thảo, lũ “diều hâu sắt” bỏ đi. Vừa mò ra khỏi bụi, Trường đã thấy chị gái mình chạy về. Hai chị em kịp nhìn nhau trong chốc lát, rồi cùng bà con xóm giềng chạy sang nhà ông Lê Văn Tam. Cảnh tượng ở đây thật tang thương. Ngôi nhà của ông Tam chỉ còn một đống tro nằm trong vũng bom sâu hoắm, cả gia đình ông gồm vợ, con và một em bé đang nằm trong bụng mẹ đã không còn. Thân xác có cái đã mất, cái nằm vắt trên ngọn tre, phần bay tứ tung sang nhà hàng xóm…

Ở phía cuối làng, chàng trai 16 tuổi Phan Văn Tiến cũng vừa chui dưới hầm lên, hớt hải chạy về nhà. Ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn. Sau 2 tiếng đồng hồ cùng xóm làng bới cào trong đống đổ nát, Tiến tìm được cha đang thoi thóp dưới lớp đất cát… Đến 12h trưa thì mọi người tìm được mẹ của Tiến bị văng ra ngoài chuồng trâu; tiếp đó, tìm được bà nội và chị gái của Tiến, song, cả 3 người đều vĩnh viễn ra đi… Chỉ có cha của Tiến được cấp cứu kịp thời nên đã thoát chết.

Trận bom kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 23 người dân làng Quý và 2 người dân ở xóm Phú, trong đó có 13 trẻ em; làm bị thương 23 người, trong đó có 9 trẻ em. Ngoài gia đình ông Lê Văn Tam có tới 7 người thiệt mạng, nhiều gia đình bị mất 2-3 người, như: gia đình ông Nguyễn Văn Sâm; ông Nguyễn Văn Quang, ông Phan Văn Lân…

Ngày 18/8 (âm lịch) hàng năm, trở thành ngày giỗ chung của người dân làng Quý.

Mong ước xây dựng khu chứng tích chiến tranh

Theo Bí thư Đảng ủy xã Thạch Liên Nguyễn Xuân Tuyển và các cụ cao niên cùng những người sống sót sau trận bom kinh hoàng ngày 25/9/1972 ở làng Quý thì sở dĩ giặc Mỹ ném bom là nhằm vào nhà máy thủy tinh của Bộ Công nghiệp đóng trên địa bàn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức đau thương của trận bom 44 năm trước vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phan Văn Tiến vẫn không cầm được nước mắt. Ông xúc động kể: “Khi tìm được mẹ ở ngoài ràn (chuồng) trâu, tôi ôm chầm lấy, khóc nức nở, chỉ thấy mẹ mấp máy môi như muốn nhắn nhủ điều gì, nhưng không còn sức để nói, mẹ nhìn tôi lần cuối rồi từ từ nhắm mắt… Sau này tôi đã tận mắt chứng kiến bao người nhắm mắt xuôi tay, nhưng ánh mắt nhắn nhủ của mẹ tôi ngày ấy, cứ ám ảnh tôi về sự mất mát, đau thương…”.

Đưa tôi đi quanh thôn xem những hố bom sâu hoắm còn sót lại, Trưởng thôn Quý - Nguyễn Đình Tường chợt nhớ ra một điều hệ trọng: “Đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh 2 cha con chết co quắp dưới đống tro bụi ở ngôi nhà cạnh nhà máy thủy tinh, khi chết, người cha vẫn ôm chặt con vào lòng… Tôi không còn nhớ rõ tên, nhưng người đàn ông ấy là công nhân nhà máy thủy tinh và con trai đầu lòng của anh...”.

Rời làng Quý trong mênh mang yên bình chiều quê, tôi vẫn nghe đâu đây lời tâm sự tha thiết của Trưởng thôn Nguyễn Đình Tường: Người làng Quý mong mỏi có một khu chứng tích chiến tranh để có nơi hương khói chung cho các linh hồn đã khuất. Đó cũng là nơi giáo dục con cháu trong làng phải luôn nhớ về quá khứ, hiểu được giá trị to lớn của độc lập - tự do…

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast