Phần lớn người lao động tại các DN chưa tham gia BHXH.

Theo thống kê của một số ngành chức năng tỉnh, tính đến đầu năm 2013, Hà Tĩnh có đến 60% người lao động (NLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp(DN) trên địa bàn chưa tham gia BHXH, BHYT.... Thực tế này vừa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phần lớn NLĐ, vừa làm chậm tiến trình BHYT toàn dân trên địa bàn.

Theo thống kê chưa tương đối đầy đủ từ các ngành có liên quan, tính đến đầu năm 2013, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 1.074 trong số trên 3300 DN được cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư tham gia BHXH (đạt tỷ lệ trên 32%), trong đó: DN Nhà nước 48 đơn vị; DN FDI và DN liên doanh nước ngoài 30 đơn vị; DN ngoài quốc doanh 996 đơn vị và 181/564 Hợp tác xã (32%) đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Không chỉ có 32% DN trên địa bàn thực hiện nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT... cho NLĐ mà số NLĐ trong các DN ở Hà Tĩnh tham gia BHXH, BHYT cũng chỉ đạt tỷ lệ 40%, còn 60% chưa tham gia. Theo số liệu có được, tính đến đầu năm 2013, chỉ có 25.800 NLĐ trong các loại hình DN ở Hà Tĩnh tham gia BHXH. Cụ thể: NLĐ trong DN Nhà nước là 8.804/8.964 người (đạt tỷ lệ 98,2%); DN FDI 1.637/2.557 người, (đạt tỷ lệ 64 %); DN ngoài quốc doanh 15.359./54.215 người (đạt tỷ lệ 28,3%). Như vậy, nếu con số trên của các ngành chức năng tỉnh là tương đối chính xác thì hiện có 38.586 NLĐ trong các DN ở Hà Tĩnh chưa tham gia BHXH, trong đó có 5.362 công nhân lao động mất việc làm; số còn lại, 33.224 NLĐ chưa tham gia BHXH.

Nhiều doanh nghiệp không tham gia BHXH cho người lao động. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp không tham gia BHXH cho người lao động. Ảnh minh họa

Qua những con số trên cho thấy, không chỉ có các DN ngoài quốc doanh có tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH thấp mà các DN Nhà nước thực hiện đóng BHXH, BHYT cho NLĐ cũng chưa thật đầy đủ. Có một điều rất đáng được lưu ý là, qua khảo sát, nắm bắt tình hình tại các loại hình DN trên địa bàn, cho thấy, ở các DN có tổ chức công đoàn thì tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đạt khá cao, trên 78%. Và ngược lại, ở những DN chưa có tổ chức công đoàn thì thường tỷ lệ này đạt thấp. Qua đây cũng cho thấy vai trò của tổ chức công đoàn đối với quyền lợi của NLĐ tại các loại hình DN quan trọng như thế nào. Tiếc rằng, vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn DN (ở tất cả các loại hình) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có tổ chức công đoàn; hoặc có thì cũng chưa phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Thiết nghĩ, tình hình này rất cần được cải thiện sớm trong thời gian tới.

Theo các ngành chức năng như: BHXH, Sở LĐTB&XH tỉnh, LĐ Lao động tỉnh, có nhiều lý do khác nhau làm cho NLĐ tại các loại hình DN trong tỉnh tham gia BHXH, BHYT... đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân khách quan dễ nhận thấy trước tiên là, hầu hết các DN đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung. Theo số liệu khảo sát của một số ngành chức năng tỉnh, trong năm 2012, toàn tỉnh có gần 1.400 DN ở các loại hình nằm trong tình trạng lao đao vì khủng hoảng kinh tế. Và gần như số DN này đã phải giảm, ngừng hoặc chậm đóng nộp BHXH, BHYT... cho NLĐ.

Tuy nhiên, ngoài lý do trên, cũng còn một số chủ DN trốn tránh trách nhiệm, cố tình vi phạm pháp luật. Không ít những DN “ăn nên, làm ra”, năm nào cũng có tên trong danh sách “DN tiêu biểu...” cấp này, cấp khác nhưng vẫn bị NLĐ, cơ quan BHXH địa phương “tố” vì cố tình “lách luật”. “Chiêu” quen thuộc của những DN này là: ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần với một người; lấy lý do thuê nhân công tại chỗ nơi có công trình đang thi công để ký HĐLĐ thời vụ nhưng thực tế người lao động làm việc tại công ty liên tục hàng năm, thậm chí trên 2 năm; đóng BHXH, BHYT...cho NLĐ ở mức lương tối thiếu, dù NLĐ đang hưởng ở mức lương cao hơn... Dù là “chiêu quen thuộc”, được dùng đi, dùng lại năm này qua năm khác, các ngành có liên quan đều biết nhưng lại”ngại” bởi nhiều lý do...Và cứ thế, hành vị phạm pháp trên lại tiếp tục được“phô diễn”...

Hành vi phạm pháp trên có “đất diễn” còn do “một bộ phận NLĐ hoặc vì sức ép về việc làm, hoặc chưa hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN nên không tham gia...”, một cán bộ có trách nhiệm, nói.

Để cải thiện tình hình trên, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, theo nhiều người, tỉnh cần có kế hoạch bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Phòng Lao động cấp huyện, thị xã, thành phố và biên chế cán bộ có đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH tại các DN trên địa bàn.

Đi cùng với đó, các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về trách nhiệm, quyền lợi đối với việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN. BHXH tỉnh hàng năm cần tổ chức điều tra, khảo sát tình hình NLĐ và DN để chủ động trong xây dựng kế hoạch thu sát đúng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast