Tăng lương tối thiểu vùng: Còn những nỗi lo

(Baohatinh.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp (DN) từ ngày 1/1/2016 tăng 12,4%. Đây là tin vui đối với người lao động (NLĐ), nhưng bên cạnh đó vẫn còn những nỗi lo…

Phó trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐ-TB&XH) Võ Thị Linh Nhâm cho biết: Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với DN từ ngày 1/1/2016 như sau: vùng I: 3,5 triệu đồng/tháng; vùng II: 3,1 triệu đồng/tháng; vùng III: 2,7 triệu đồng/tháng; vùng IV: 2,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu so với mức lương hiện nay cao hơn khoảng 250-400 nghìn đồng/tháng.

Nghị định số 122/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận và trả lương, trong đó, mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...

Tăng lương tối thiểu vùng: Còn những nỗi lo ảnh 1

Tăng lương tối thiểu vùng, người lao động vui nhưng cũng khắc khoải những nỗi lo...

Riêng Hà Tĩnh được áp dụng mức lương tối thiểu vùng III đối với TP Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh, còn lại, các địa phương sẽ áp dụng vùng IV.

“Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, việc chấp hành pháp luật lao động tại các DN, việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, tiền công cho NLĐ đã được nhiều DN quan tâm thực hiện và tiền lương bình quân DN trả cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Tỷ lệ NLĐ được ký hợp đồng lao động tăng từ 74% lên 75% (so với năm 2014), tiền lương của NLĐ bình quân trong DN 100% vốn nhà nước đạt 4,5 triệu đồng, DN FDI đạt 6,8 triệu đồng, DN dân doanh đạt 3,98 triệu đồng”, bà Nhâm cho biết thêm.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng thêm 12,4% được cho là nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng của năng suất lao động và đảm bảo đời sống tối thiểu cho NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương lại khiến NLĐ lo ngại giá cả tiêu dùng tăng theo.

Anh Lê Duy Huy, nhân viên thị trường của một công ty sữa đang nhận mức lương căn bản 4,2 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập trung bình là 6 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền doanh thu, chia sẻ: “Lương của vợ chồng tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, 2 vợ chồng phải khá tiết kiệm cho các khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình, học hành của các con. Hàng tháng, gia đình tôi hầu như rất ít hoặc không có tích lũy. Đã vậy, mỗi lần tăng lương, giá cả tiêu dùng lại tăng theo”.

Tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là nỗi lo riêng của NLĐ mà còn là áp lực lớn đối với DN. Một giám đốc công ty thương mại và xây dựng cho biết: Hiện hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương vùng tối thiểu; cái chính là nếu tăng lương tối thiểu vùng thì mức đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ tăng theo.

Năm 2015, mặc dù SXKD đã khởi sắc, nhưng DN vẫn còn rất khó khăn với đủ các loại chi phí, giờ phải chi thêm các khoản bảo hiểm dựa trên mức lương tối thiểu tăng cao thì không ít DN sẽ càng khó khăn. Việc tăng lương phải tính đến sức chịu đựng của DN, quan trọng nhất là phải thực chất, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu của NLĐ. Do đó, Nhà nước phải quản lý, điều tiết giá cả mặt hàng, hợp lý vì ếu giá cả tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast