Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016

Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc ngày 20/5 tới đây, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bắt đầu tăng từ năm 2016.

Theo Dự thảo, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Sau đó, từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Dự thảo luật quy định, người lao động là Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật công an nhân dân.

Ngoài ra, tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Mức lương hưu hằng tháng

Theo Dự thảo Luật, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 53 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 61 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động từ năm 2016 được điều chỉnh như sau: số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm; năm 2017 là 17 năm; năm 2018 là 18 năm; năm 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.

Từ năm 2031 trở đi, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định về tuổi và thời gian công tác được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 61 của Luật này tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với cả nam và nữ; mức tối đa bằng 75%.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật cũng quy định, người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Ra nước ngoài để định cư; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế mà có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần;

Trường hợp người lao khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 hoặc 2,0 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của tổ chức bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, trước đó, trao đổi với VnMedia, Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là việc làm cần thiết để tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là một việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người quan tâm, đó là tăng tuổi nghỉ hưu cũng có nghĩa là giảm bớt cơ hội việc làm đối với lao động trẻ, đặc biệt là các sinh viên tốt nghiệp đại học đang trong tình trạng thất nghiệp rất cao.

Tuệ Khanh

Nguồn: VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast