Tiếp sức để thương binh "tàn" mà không "phế"

(Baohatinh.vn) - Ở các vùng quê Hà Tĩnh, những thương bệnh binh có nhu cầu và đủ điều kiện đều được hỗ trợ để tiếp cận vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo.

Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh và Hội LHPN xã Kỳ Khang hướng dẫn gia đình ông Nguyễn Tiến Hanh, bà Nguyễn Thị Lan theo dõi quá trình vay vốn qua sổ

Gia đình ông Nguyễn Tiến Hanh, bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) là một hộ vay vốn khá đặc biệt của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh. Ông Hanh là cựu chiến binh chống Mỹ, hơn 14 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và trở về địa phương với nhiều thương tật khi tuổi không còn trẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Lan từng là thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Người chồng trước của bà Lan là liệt sỹ, sau 5 năm thờ chồng, bà được gia đình bên chồng động viên đi bước nữa và đã nên duyên mới với ông Hanh vào năm 1974. Ông bà sinh 5 người con và vượt qua muôn khó khăn để nuôi các con trưởng thành. Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH là điểm tựa để ông bà chiến thắng đói nghèo.

Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”

Ông Hanh, bà Lan chăm sóc chu đáo cho con bò giống do Ngân hàng CSXH cho vay vốn

Bà Lan cho biết: “Bất kỳ dự định làm ăn nào của vợ chồng tôi cũng gặp khó vì thiếu vốn, kể cả nuôi lứa gà giống đầu tiên cũng phải đi vay tiền. May mắn là chúng tôi đã được các anh chị ở ngân hàng, hội phụ nữ và tổ vay vốn tạo điều kiện thuận lợi. Mọi thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi đều nhờ các anh chị hướng dẫn, hỗ trợ tận tình”.

Gần đây nhất (năm 2016), ông bà mạnh dạn vay số tiền 50 triệu đồng mua 3 con bò để chăn thả. Theo ông bà, đây là công việc khá nhẹ nhàng, phù hợp với tuổi già và cũng cho thu nhập khá, giúp ông bà tự chủ được cuộc sống.

Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”

Vợ chồng anh thương binh Nguyễn Tiến Thìn đã vượt qua những ngày tháng gian khó nhất khi có nguồn vốn tín dụng ưu đãi đồng hành

Cũng ở xã Kỳ Khang, tại thôn Vĩnh Phú, thương binh Nguyễn Tiến Thìn nhờ có sự tiếp sức từ các chương trình tín dụng ưu đãi nên đã vươn lên thoát nghèo, xây được ngôi nhà kiên cố. Ông Thìn tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị bom cắt cụt chân trái. Trở về quê hương, ông may mắn lấy được người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó.

“Nhiều năm qua, chúng tôi đều dựa vào nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trước đây khi còn là hộ nghèo, gia đình tôi chỉ vay mỗi lần dăm mười triệu, nhưng gần đây nhất (2015), chúng tôi quyết định vay 30 triệu đồng của chương trình hộ cận nghèo mua trâu nái. 3 năm nay, chúng tôi đã có thêm 2 con nghé, bán lấy tiền thêm vào xây nhà. Còn con trâu mẹ thì tiếp tục nuôi để lấy tiền trả nợ cho ngân hàng” - ông Thìn kể.

Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”

Vợ chồng ông Thìn cố gắng chăm sóc trâu tốt để sinh sôi đồng vốn, trả nợ cho ngân hàng

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Khang - Nguyễn Thị Liên, số lượng người có công trên địa bàn xã khá lớn, tuy nhiên, do phần lớn tuổi cao, sức khỏe không tốt nên ít người có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, các tổ chức hội nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ưu đãi đều rất quan tâm và sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các gia đình chính sách có nhu cầu, điều kiện vay vốn. Một điều đặc biệt là những người thương bệnh binh khi vay vốn đều rất có trách nhiệm trong việc trả lãi và tiền gốc cho ngân hàng.

Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”

Ông Nam trồng 8 sào cỏ để chủ động thức ăn cho đàn bò

Cùng câu chuyện về thương bệnh binh vay vốn thoát nghèo, chúng tôi còn gặp ông Nguyễn Huy Nam ở tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh. Là một cựu chiến binh có chí làm giàu, từ khi xuất ngũ (năm 1989), ông về quê khai phá nhiều vùng đất hoang trồng cây lâm nghiệp, làm ao nuôi tôm, cá. Kinh tế gia đình ông nhờ đó khá ổn định với nguồn thu của gần 20 ha rừng đã cho thu hoạch.

Tiếp sức để thương binh “tàn” mà không “phế”

Ông Nam cùng các con đang ấp ủ dự định xây dựng trang trại tổng hợp với các loại cây có giá trị kinh tế cao và đa dạng các loại gia súc như bò, dê…

Ban đầu ông Nam đã được nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp sức với 50 triệu đồng vốn vay chương trình SXKD vùng khó khăn vào năm 2017. Cùng với vốn tự có của gia đình, ông Nam đã phát triển đàn bò lên 12 con, trồng 8 sào cỏ để chủ động thức ăn cho đàn bò. Ông Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của kênh vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, vừa làm giàu cho gia đình, vừa tạo sự lan tỏa cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast