Tính lương hưu từ năm 2015: Nhà nước, tư nhân như một

Cách tính lương hưu có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tư nhân như hiện nay sẽ được sửa đổi để đảm bảo công bằng cho người lao động.

Hiện nay, lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức được hưởng theo cách tính là bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Đối với khu vực tư nhân, người lao động được hưởng lương hưu tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian làm việc. Với cách tính này, rõ ràng người làm trong khu vực doanh nghiệp tư nhân nhận lương hưu thiệt thòi hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Điều này sẽ thay đổi khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được áp dụng tới đây.

Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lương hưu của cán bộ, viên chức, công chức tham gia bảo hiểm xã hội thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu sẽ phải tính là bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đối với người lao động khu vực ngoài nhà nước. Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu cũng được sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% từ 15 lên 20 năm, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Tại hội thảo tham vấn về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, các chuyên gia quốc tế đều khuyến nghị, cần có một công thức tính lương hưu chung để đảm bảo sự công bằng đối với người lao động. Về điều này, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH- cho rằng, do cách tính lương của Việt Nam đã trải qua thời kỳ phát triển khác nhau nên không thể thay đổi trong “một sớm, một chiều”, chưa thể áp dụng một công thức chung cho tất cả các đối tượng người lao động, cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp. Vì vậy, việc áp dụng cách tính lương hưu đồng nhất sẽ được thực hiện cho người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/1//2015.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi theo phương thức mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng đối với lao động tại khu vực nhà nước từ năm 2016 và các đối tượng còn lại từ năm 2020.

Hoàng Hải

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast