8 giải pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại ở Hà Tĩnh trong thời gian qua, tại Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã có bài Tham luận về vấn đề này .

Tham luận nêu rõ: thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn đối với nước ta, trong đó các tỉnh miền Trung là khu vực chịu tác động trực tiếp và khốc liệt nhất. Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh liên tiếp phải hứng chịu những trận bão, lũ, hạn hán, xâm mặn chưa từng có trong lịch sử, gây nên những tổn thất nặng nề về nhiều mặt đối với sản xuất và đời sống.

Đoàn đại biểu Hà Tĩnh tham gia thảo luận về các văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Đoàn đại biểu Hà Tĩnh tham gia thảo luận về các văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Để phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai có hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, chúng ta không thể loại trừ thiên tai mà chỉ có khả năng hạn chế và tìm các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiệt hại. Qua đó, lợi dụng, né tránh, tiến tới khắc phục và từng bước chinh phục thiên tai nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất, đời sống.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương nhận thức sâu sắc tác hại của thiên tai, nhận diện một cách đầy đủ các loại hình thiên tai và những diễn biến của nó để chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả, với phương châm “Phòng tránh là chính, tự cứu mình là chính”.

Thứ ba, thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ) một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả.

Thứ tư, coi trọng đúng mức và làm tốt công tác dự báo, dự tính, chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành.

Thứ năm, quy hoạch và xây dựng các công trình để vừa cấp nước cho các nhu cầu kinh tế - xã hội, vừa điều tiết nước lũ về mùa mưa; củng cố các tuyến đê sông, đê biển để chống lũ và ngăn mặn, giữ ngọt. Xây dựng các trạm bơm tưới tiêu, các công trình phân lũ…

Thứ sáu, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng.

Thứ bảy, khi có thiên tai xẩy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng, nhất là lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và nhân dân trên địa bàn thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện tàu thuyền và các yêu tố đảm bảo. Sau thiên tai, cần đánh giá chính xác thiệt hại, huy động nội lực với tinh thần lá lành đùm lá rách và coi trọng sự cứu trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân hối nguồn cứu trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Thứ tám, thu hút đầu tư nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; xem đây là giải pháp căn cơ nhất để phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển một cách bền vững.

Triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra

Triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra

Từ thực tiễn những việc làm được và chưa làm được và những thách thức đang đặt ra của Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình kiến nghị:

Trung ương cần có giải pháp kiên quyết và hiệu quả hơn để ngăn chặn được sự suy giảm, phát triển của đồi rừng bền vững và từng bước trả lại môi trường sinh thái kể cả rừng đầu nguồn, rừng ven biển và rừng ngập mặn.

Quan tâm đầu tư cho các đơn vị cơ sở xã, phường nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về phương tiện cứu hộ, cứu nạn, dự trữ các nhu cầu thiết yếu lương thực, thực phẩm, thuốc men.. để phục vụ ứng cứu và khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai.

Cần có quy định để các ngành, các cấp, các địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần lấy quy hoạch phòng chống bão lũ làm một tiêu chí quan trọng để chọn phương án phù hợp.

Tiếp tục qua tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai như kiên cố hóa hồ đập, hệ thống đê sông, đê biển, đường cứu hộ, cứu nạn, một số công trình ngăn mặn, giữ ngọt để ứng phó với hiện tượng nước biển dâng và chua mặn lấn sâu vào nội địa; đồng thời tăng cường công tác dự báo, dự tính bằng cách bố trí thêm một số trạm đo thuỷ văn, khí hậu ở vùng thượng nguồn và ven biển để đo đạc tính toán, cung cấp thông tin dự báo đầy đủ và tin cậy hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast