“Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!”

(Baohatinh.vn) - Câu thơ có tính dự báo trong bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác Hồ năm 1969 đã trở thành lời hát khải hoàn trong ngày 30/4/1975. Lời hát ấy không chỉ đánh dấu thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn khắc ghi dấu ấn lịch sử khi hàn gắn nỗi đau chia cắt hơn 20 năm.

Trong lịch sử Việt Nam, sự chia cắt cũng đã từng xảy ra như thời Đàng Ngoài - Đàng Trong kéo dài hơn 100 năm, bắt đầu từ thế kỷ XVI, nhưng có lẽ, thấm đẫm nỗi đau dân tộc nhất là sự chia cắt khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954) được thực hiện. Theo hiệp định, đất nước Việt Nam chia thành 2 miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Tuy nhiên, Mỹ thay Pháp nhảy vào Việt Nam, lập nên chính quyền tay sai Việt Nam cộng hòa và cùng nhau vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong bài viết đăng trên Báo Tuổi trẻ nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký kết hiệp định này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định: “Hội nghị Genève về Đông Dương xuất phát từ nhu cầu của các nước lớn”. Bởi vậy, việc giải phóng miền Nam không chỉ có ý nghĩa đánh đuổi ngoại xâm mà quan trọng hơn là tránh cho một sự chia cắt lãnh thổ, hình thành quốc gia, là tiếng nói đanh thép chứng tỏ lập trường nhất quán của Việt Nam đối với lãnh thổ của mình, qua đó, gửi thông điệp có giá trị lịch sử đến các nước lớn trên thế giới.

Trước sự tác động của các nước lớn, đồng bào Việt Nam chỉ cách nhau hai bên bờ sông Bến Hải bỗng dưng bị phân cách, chia rẽ. Rất nhiều người vượt biên bị giặc bắt, tra tấn, giết hại đã phản ánh nỗi đau giày xéo trong trái tim mỗi người. Khát vọng về sự hợp nhất khôn nguôi đã nung nấu thành sức mạnh, bất chấp các thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.

“Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” ảnh 1

Người dân chào đón xe tăng quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất hiển hiện rõ nét trong nỗi niềm của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chẳng phải ngẫu nhiên, đầu Xuân 1955, cây vú sữa do đồng bào miền Nam gửi tặng Bác lại được trồng trong vườn Phủ Chủ tịch. Bác luôn dành thời gian buổi sáng và sau ngày làm việc buổi chiều để chăm tưới cho cây vú sữa. Năm 1958, khi Bác chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Người gợi ý chuyển cây vú sữa trồng cạnh để hàng ngày Bác được nhìn thấy quà của miền Nam, được gần đồng bào chiến sĩ miền Nam thân yêu. Năm 1962, Bác tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Xúc động nhận những món quà của đồng bào miền Nam, Người đặt tay lên trái tim mình và nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Năm 1965, đoàn các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, cả đoàn chạy ùa lại ôm lấy Bác trên đường Xoài Phủ Chủ tịch. Những giọt nước mắt sung sướng vỡ òa. Bác âu yếm nhìn các anh hùng dũng sĩ và nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm! Sao các cháu lại khóc? Bác cháu ta gặp nhau thì phải vui lên chứ?”.

Năm 1969, trong một lần tiếp nữ phóng viên Cuba, Hồ Chủ tịch đã nói: “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau. Đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi!”. Trong những thời điểm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, gần như ngày nào, Người cũng gọi điện cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp để hỏi về tình hình miền Nam. Chẳng thế mà, những nghệ sĩ trưởng thành trong thời chiến đã ghi lại hình ảnh của Người những ngày tháng thao thức vì miền Nam: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.

Trước lúc đi xa, Người luôn khao khát được một lần đặt chân lên mảnh đất miền Nam. Bác nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị bố trí để được thực hiện nguyện vọng ấy, nhưng vì sức khỏe, Bộ Chính trị đã không làm theo mong muốn của Người. Đặc biệt, lịch sử có ghi lại sự kiện rất cảm động vào năm 1963. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, Bác từ chối nhận Huân chương Sao vàng và đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

“Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” ảnh 2

Nhân chuyến thăm và làm việc tại TP Hồ Chí Minh tháng 3/2015, đoàn lãnh đạo tỉnh ta do đồng chí Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hoài

Cụ thể hóa ước vọng thiêng liêng thành hành động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân hai miền Nam Bắc đánh đuổi Mỹ, ngụy bằng vô vàn hành động linh hoạt, mưu trí, dũng cảm. Từ Nghị quyết 21 (10/1973) hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Trung ương Đảng đến sự quyết định bằng các chiến dịch mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã phản ánh tinh thần chiến đấu, hy sinh của tất cả các lực lượng với khát vọng lớn nhất là thống nhất non sông. Trên thực tế, nhìn nhận suốt chặng đường chống Mỹ, thắng lợi vẻ vang trong buổi trưa ngày 30/4 là sự hội tụ sức mạnh Việt Nam trên nhiều lĩnh vực (chính trị, quân sự, ngoại giao) với sự tham gia của nhiều lực lượng.

“Sài Gòn thất thủ” (theo ngôn từ báo chí phương Tây). Chiến dịch Hồ Chí Minh thành công. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là những từ ngữ khẳng định thời điểm lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, là sự dồn nén biết bao đau thương, bi hùng trong hơn 20 năm kháng chiến. Sài Gòn lúc đó, người người đổ ra đường, ôm nhau mà khóc, những người lính “đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay”. Giờ phút thiêng liêng ấy, ai cũng rưng rưng nhớ Bác, tưởng “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên). Lại nhớ, trước lúc đi xa, Người đã để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và tin tưởng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Lời Người năm ấy đã thành hiện thực sau đó chỉ ít năm. 30/4 đã trở thành ngày của sum họp, từ đó, lan tỏa các giá trị vững bền của dân tộc Việt Nam.

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast