Bài học quý từ cuộc thi “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”

Hướng tới kỷ niệm 50 năm “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” (23/10/1961 - 23/10/2011). T. Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”, nhằm tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng trong đoàn viên thanh niên và nhân dân cả nước về lịch sử, truyền thống anh hùng và những chiến công đặc biệt xuất sắc của Lữ đoàn 125 hải quân và tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển Đông.

Với cá nhân tôi cũng như toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đoàn viên thanh niên trên phạm vi cả nước, đây là cuộc thi mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực bởi nó không chỉ tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về lịch sử, về truyền thống đánh giặc giữ nước, về đức hi sinh anh dũng của quân và dân ta, của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của tuyến vận tải quân sự chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến tàu không số là một huyền thoại lịch sử gắn với số phận những con người bình dị mà cao cả
Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến tàu không số là một huyền thoại lịch sử gắn với số phận những con người bình dị mà cao cả

Cuộc thi đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, cổ vũ động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững tinh thần độc lập, ý chí tự lực tự cường, tích cực học tập và rèn luyện để đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vào việc khai thác các tiềm năng trên biển, bảo vệ vững chắc, trọn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhiều thế lực thù địch đang dòm ngó và có sự tranh chấp về vùng biển của nước ta, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Quốc gia dân tộc.

Cũng qua cuộc thi này, và qua các kênh thông tin truyền thông khác, chúng tôi – lớp hậu thế may mắn được sống trong điều kiện đất nước hòa bình và mọi tầng lớp nhân dân khác có điều kiện để tìm hiểu thêm lịch sử Đảng, lịch sử hào hùng của dân tộc trong một thời đạn lửa; góp phần tích lũy, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, qua đó phục vụ đắc lực cho công tác dạy - học trong các trường phổ thông, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc dạy và học môn Lịch sử được xem là “đang có vấn đề”.

Thực tế cách mạng lúc bấy giờ, nhiều chiến sỹ và lực lượng Hải quân của nhân dân ta đã đối mặt với những năm tháng cực kỳ gian khổ hi sinh, biết rõ ra đi là không hẹn ngày trở về, ra đi để lại sau lưng vợ góa, con côi nhưng lòng không hề nao núng hay chùn bước trước bom đạn của kẻ thù vì lòng căm thù giặc. Với ý chí sắt đá đem bằng được vũ khí vào tiếp tế cho chiến trường miền Nam vì lúc đó, đồng bào Nam bộ cần vũ khí hơn bao giờ hết để góp phần đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đến hôm nay, thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, trong hạnh phúc, trong no đủ, hơn bao giờ hết họ cần được trang bị cho mình những hiểu biết về nguồn cội dân tộc, hành trang của thế trẻ hôm nay cho ngày mai không chỉ là sức khỏe, trí tuệ, tri thức.. Đó còn là niềm tin và am hiểu lịch sử Đảng để có thể đủ khả năng để tiếp tục “dựng và giữ nước”. Đây vừa là quyền lợi, đồng thời vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi một người dân Việt Nam. Nhất là tầng lớp thanh niên – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tôi nhớ trong một tài liệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ quyết tâm: "Mười chiếc ra đi, chỉ cần một chiếc trở về cũng là thắng lợi!”, đã cho ta thấy quyết tâm của TW Đảng ta lúc bấy giờ. Và với tinh thần ấy, ban đầu là những chiếc thuyền gỗ, và sau đó mấy năm là những chiếc thuyền sắt, trọng tải chỉ từ 50 – 100 tấn, dám băng sóng gió, vượt tuyến tới 3.000 – 4.000 hải lý trên biển, để tiếp tế vũ khí cho chiến trường Nam bộ. Hàng ngàn tấn vũ khí đã cập bến trót lọt, hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ đã được đưa đón an toàn. Thành tích trên đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu cho là “chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới!”.

Có thể thấy, cùng với “Đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn” được hình thành trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp gắn liền với chiến công của những người lính, những chiến sỹ một thời “khoét núi - ngủ hầm - mưa dầm - cơm vắt - máu trộn bùn non” để rồi họ sẵn sàng “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” - 50 năm ấy biết bao nhiêu tình - một chặng đường nửa thế kỷ đã đi qua nhưng đã để lại cho cách mạng Việt Nam một nhân chứng của lịch sử trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, một con đường giàu tính sáng tạo và duy nhất có ở Việt Nam. Nơi ấy, đã chứng kiến và ghi lại biết bao nhiêu hi sinh mất mát và bao nhiêu chiến tích oai hùng của Hải quân Việt Nam dưới làn mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ… nhưng tất cả không gì có thể khuất phục được ý chí sắt đá, sự kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam bởi một chân lý đơn giản là “Không có gì quý hơn độc lập tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Để rồi con đường ấy đã trở thành một “Huyền thoại”, con đường ấy hóa thành “Bất tử” trong lòng của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Thế nhưng, có một nghịch lý là qua cuộc thi này - theo tìm hiểu của chúng tôi, có không ít thanh niên, học sinh tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm, coi thường cuộc thi. Một số ĐVTN vì không hiểu được hết ý nghĩa của cuộc thi tìm hiểu nên làm bài thi một cách chiếu lệ, đối phó, cẩu thả với Ban tổ chức, một số khác dù nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn của cuộc thi nhưng do hạn chế của thời gian, lại thiếu niềm đam mê nghiên cứu tìm hiểu lịch sử dân tộc nên cũng đành làm bài thi qua loa, làm cho có số lượng, thiếu chiều sâu. Thậm chí có không ít ĐVTN không ngần ngại bỏ ra mười hay mười lăm nghìn đồng để ra các hiệu Photocoppy mua ngay một bản in đã được đánh máy sẵn về nạp cho Ban tổ chức mà không cần phải tốn công sức làm bài thi; và hậu quả tai hại là có những ĐVTN ngay sau khi nộp bài, được tác giả bài viết này hỏi lại cuộc thi gồm mấy câu và em tâm đắc nhất câu nào thì…không thể nhớ?

Thiết nghĩ, bất kỳ một cuộc thi tìm hiểu nào, dù là cấp độ toàn quốc hay cấp tỉnh cũng đều có ý nghĩa to lớn, nhất là mục đích tuyên truyền. Nhưng làm thế nào để cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung, mà đặc biệt là tầng lớp thanh niên nói riêng hiểu được hết ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc thi tìm hiểu, từ đó giúp họ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cha ông - những thế hệ đã hi sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc - đổi lấy hòa bình cho các thế hệ mai sau; giúp họ thấu hiểu hơn lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của cha ông ta, cũng như “dân ta phải biết sử ta”, đó là điều không thể chậm trễ.

Xin trích lên đây hai câu thơ trong bài thơ "Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm" rằng: “Trong anh và em hôm nay/Có một phần của đất nước” để gửi tới thế hệ trẻ hôm nay và cả ngày mai./.

Trường THPT Hà Huy Tập - Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast