Bước hoàn thiện và chuẩn bị rất cơ bản các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI

Sáng 28-3, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã hoàn thành chương trình đề ra sau một tuần làm việc tích cực, khẩn trương.

Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X):

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) Ảnh: Chinhphu.vn

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)

Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định những nội dung thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một bước hoàn thiện và chuẩn bị rất cơ bản các dự thảo văn kiện sẽ công bố lấy ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của Quốc hội và ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu của Đảng. Bối cảnh quốc tế và thực tiễn cách mạng nước ta đòi hỏi Đảng ta phải giữ vững định hướng, đồng thời bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ, mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền kinh tế chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh.

Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng toàn dân phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khẳng định những thành tựu to lớn và rất quan trọng mà đất nước ta đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ quan điểm phát triển Chiến lược 10 năm 2011-2020 là: Phát triển nhanh gắn liền với bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược và quá trình thực hiện Chiến lược; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học- công nghệ ngày càng cao, đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2020 là nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị- xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữa vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Đề ra hệ hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể và xác định các định hướng phát triển, Chiến lược cũng đồng thời chỉ ra các đột phá chiến lược phải tập trung hoàn thiện tốt.

Có tiêu đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2011-2015.

Đó là: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Quan điểm chỉ đạo trong đề xuất sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng

Theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng là một vấn đề quan trọng và cần thiết trong nhiệm vụ xây dựng Đảng về tổ chức. Thông qua tổng kết thực tiễn mà phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với quy luật phát triển và yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.

Việc đề xuất bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng lần này phải thấu suốt một số quan điểm chỉ đạo là kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu, bổ sung vào Điều lệ Đảng một số nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng; các văn bản quy định thi hành điều lệ Đảng; phát huy dân chủ, trí tuệ trong thảo luận, tập hợp đầy đủ, trung thực ý kiến tham gia của Đảng viên, cán bộ, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các thành viên, trong hệ thống chính trị…

“Quá trình nghiên cứu, thảo luận, bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng phải bám sát các quan điểm chỉ đạo có tính nguyên tắc này”, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ.

Kết hợp chặt chẽ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn nhân sự

Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Hội nghị Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo, dân chủ, khoa học của tiểu Ban Nhân sự và của Bộ Chính trị.

Việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới là vấn đề đặc biệt quan trọng và là vấn đề then chốt của nhiệm vụ xây dựng Đảng.

"Để có Ban Chấp hành Trung ương mạnh, đòi hỏi công tác nhân sự Đại hội XI của Đảng phải làm sao đạt được mục tiêu chung là lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, nhân dân ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…" - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói.

Trong khi nhấn mạnh tiêu chuẩn là chính, cần bảo đảm có sự hài hòa trong cơ cấu của Ban chấp hành Trung ương. Xây dựng Ban Chấp hành Trung ương có cơ cấu hợp lý nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các địa bàn, các lĩnh vực và các vị trí công tác quan trọng; bảo đảm sự kết hợp hợp lý giữa ba độ tuổi trong Ban chấp hành Trung ương, có tỷ lệ thích đáng các đồng chí trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, có các đồng chí xuất thân từ công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.

Đây chính là những nội dung quan trọng để bảo đảm cho Đảng ta có sự kế thừa và phát triển, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm cho sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong thực tế. Việc kết hợp chặt chẽ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn để chọn được những đồng chí có đức, có tài là yêu cầu có tính nguyên tắc để xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mạnh.

Quy trình giới thiệu nhân sự vào ban chấp hành Trung ương là khâu quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học, đảm bảo dân chủ, chính xác khách quan và trách nhiệm…

Nêu rõ, năm 2010 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và là năm chúng ta tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng… Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương, các cấp ủy và tổ chức Đảng thực hiện đồng thời nhiệm vụ chuẩn bị đại hội các cấp phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; phải coi việc phấn đấu cao độ để hoàn thành các nhiệm vụ của Đại hội X và nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2006 - 2010 là nội dung quan trọng nhất.

“Không được vì lý do chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp mà lơi lỏng nhiệm vụ trước mắt trên mọi phương diện và lĩnh vực công tác”, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lưu ý.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast