Cách mạng Tháng mười Nga với cách mạng Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Cách mạng tháng Mười Nga (ngày 7/11/1917) là mốc son chói lọi của lịch sử nhân loại, cột mốc ghi chiến công vĩ đại làm nổ tung một mắt xích trọng yếu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên các quốc gia đứng lên giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga 7/11 (1917-2017)

Nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích, đứng đầu là V.I. Lênin đã đứng lên lật đổ chế độ Sa Hoàng thành lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Kẻ thù bên trong chống đối quyết liệt, cấu kết với 14 nước bên ngoài tìm mọi cách hòng bóp chết nhà nước công nông trong trứng nước, nhưng chúng đã thất bại. Một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của dân tộc Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ thiên tài V.I. Lênin, với nhà nước Xô-viết non trẻ của mình đã vượt qua thử thách, đánh thắng thù trong, giặc ngoài, vững vàng tiến bước theo con đường XHCN phù hợp với tiến trình phát triển của nhân loại.

cach mang thang muoi nga voi cach mang viet nam

Lãnh tụ V.I. Lênin từ Phần Lan bí mật trở về nước trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917

Với chính sách “Cộng sản thời chiến” và tiếp đó là chính sách “Kinh tế mới”, nước Nga Xô-viết đã thoát khỏi khó khăn về kinh tế, đứng vững trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và rồi, với sự ra đời của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (năm 1922), Liên Xô đã đưa đất nước đi lên bằng con đường tự chủ, đoàn kết các dân tộc để từ nước tư bản nghèo trở thành nước XHCN hùng mạnh, là trụ cột và ngọn cờ vẫy gọi các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập, xây dựng xã hội mới.

Như là định mệnh của lịch sử, trên con đường đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã bắt gặp được chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Cách mạng tháng Mười Nga. Khi vào thời đó, các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây đang trở thành mẫu mực định hướng cho sự phát triển của nhân loại, thì bằng con mắt tinh tường và trái tim nhân ái, bằng khát khao giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, Hồ Chí Minh đã đến với Cách mạng tháng Mười, xem đó là “thanh bảo kiếm mầu nhiệm giúp các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thực hiện sự nghiệp giải phóng”.

Từ thực tiễn của Cách mạng tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác - Lê-nin”. Chủ nghĩa đó đã được chứng minh ở sự thành công của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời nước Nga Xô-viết. Đó là ngọn đèn pha chiếu rọi, mở ra con đường cho cách mạng Việt Nam, con đường giải phóng để phát triển, giành độc lập và đi lên XHCN. Từ trong đêm đen nô lệ, những thanh niên trí thức ưu tú đã được sang Liên Xô đào tạo, trở thành những cán bộ cốt cán cho cách mạng Việt Nam, họ được học lý luận và được tận mắt chứng kiến sự hùng mạnh của đất nước Cách mạng tháng Mười, làm tấm gương cho những người cộng sản, những chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt Nam nhìn vào đó đứng lên làm cách mạng, chiến đấu cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc.

Với tham vọng điên cuồng làm bá chủ thế giới, phát xít Đức đã phát động cuộc chiến tranh hủy diệt. Bất ngờ ồ ạt tấn công như thế chẻ tre vào các nước châu Âu và huy động toàn lực tập trung đánh vào Liên Xô hòng xóa bỏ nhà nước Xô-viết. Nhưng với sức mạnh của một dân tộc có truyền thống chống giặc ngoại xâm, với chế độ xã hội ưu việt, nhân dân Liên Xô đã đứng lên đánh bại đội quân phát xít Đức và truy kích chúng đến tận sào huyệt. Hồng Quân Liên Xô đã đánh bại đạo quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc, góp phần quan trọng vào việc buộc Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng. Việc Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít không chỉ giữ vững nhà nước Xô-viết mà còn giải phóng cho hàng loạt nước ở châu Âu, mở ra cục diện mới cho thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc nổi dậy, hệ thống XHCN ra đời, nhiều nước đứng lên giành độc lập dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Khi phát xít Đức phát động Đại chiến thế giới II, bằng sự tỉnh táo phân tích đúng tình hình và tin tưởng vào Liên Xô vĩ đại, ngay ở Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939), Đảng ta nhận định thời cơ giành chính quyền đã tới. Sau đó, ở Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đã nhận định: “Đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, thì đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN và nhiều nước sẽ đứng lên giành độc lập. Tranh thủ thời cơ, cách mạng, Đông Dương phải kịp thời đứng lên khởi nghĩa”. Đúng như nhận định của Đảng ta, khi quân Đồng minh tiến vào sào huyệt phát xít Đức, quân Nhật đầu hàng.

cach mang thang muoi nga voi cach mang viet nam

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP. Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga.

Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14/8/1945 nhận định: “Cơ hội cho ta giành chính quyền độc lập đã tới” và tiếp đó, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Nhờ chớp đúng thời cơ, Cách mạng tháng Tám chỉ diễn ra chưa đầy 20 ngày và thành công trọn vẹn. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, tuyên bố: “Nước Việt Nam thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập”. Như vậy, có thể nói, Cách mạng tháng Mười Nga mở ra con đường để cách mạng Việt Nam hướng theo, đấu tranh giành độc lập dân tộc; có thắng lợi của Liên Xô trong Đại chiến thứ II thì mới có thời cơ để cho Cách mạng tháng Tám Việt Nam thành công. Công lao đó của Cách mạng tháng Mười, của Liên Xô đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam là vô cùng to lớn.

Về sau này, khi Việt Nam đã giành được độc lập, nhưng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lại tiếp tục tiến hành cuộc xâm lược, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên chiến đấu đánh thắng “hai đế quốc to”, giữ vững nền độc lập và tiến bước theo con đường XHCN. Trong 2 cuộc kháng chiến lâu dài, hy sinh và gian khổ đó, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam lại tiếp tục nhận được sự giúp đỡ to lớn về mọi mặt của Liên Xô. Trong công lao giúp đỡ toàn diện của Liên Xô, phải kể đến việc giúp đào tạo các thế hệ cán bộ cho Việt Nam, những thế hệ cán bộ đó là lực lượng tin cậy và nòng cốt đảm đương những trọng trách trong hệ thống chính trị, trong KHKT, trong QPAN, quản lý kinh tế, văn hóa - giáo dục… từ đó đến nay.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, ở thời đại Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam ngay từ những ngày đầu cho đến hiện nay vẫn đi theo ngọn cờ Cách mạng tháng Mười và liên tiếp vượt qua những khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu, ghi những mốc son chói lọi trên con đường phát triển. Ngày nay, dẫu Liên Xô không còn nữa, nhưng trong tiến trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, quan hệ giữa Việt Nam và Nga vẫn tiếp tục phát triển, quan hệ giữa hai nước Nga - Việt đã nâng lên tầm chiến lược toàn diện và đang được phát huy có hiệu quả. Dù lịch sử có những biến động, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, song tình nghĩa giữa nhân dân hai nước, giữa hai dân tộc Việt - Nga vẫn thủy chung son sắt; con đường Cách mạng tháng Mười Nga đã khởi xướng vẫn ngời sáng và tiếp tục chỉ ra cho nhân loại hướng tới một tương lai tốt đẹp vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast