Cách mạng tháng Tám - Khởi động của nền văn hóa mới

(Baohatinh.vn) - Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, sau ngót một thế kỷ bị chủ nghĩa thực dân xâm lược và đô hộ. Cách mạng tháng Tám cũng mở ra những chân trời mới cho đời sống văn hóa - văn học - nghệ thuật Việt Nam.

cach mang thang tam khoi dong cua nen van hoa moi

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Những việc cần làm ngay cho sự hồi sinh đời sống văn hóa - văn nghệ ngay sau ngày cách mạng thành công theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là việc cấp bách thực hiện 3 nhiệm vụ: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Giặc đói – sau thảm trạng 2 triệu người chết đầu năm 1945. Giặc dốt - thanh toán nạn mù chữ cho trên 95% số dân; đem lại cho nhân dân các giá trị tinh thần; kích thích và nâng cao dần các nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa - văn nghệ. Đó là các hiện tượng chưa từng có trong lịch sử và đã được tiến hành với hiệu quả tối ưu trong bối cảnh vô cùng gian khổ, thiếu thốn của thời cuộc.

Một loạt những quan hệ gắn nối được Cách mạng tháng Tám khai sinh hoặc khai thông và ngày càng mật thiết trên từng chặng đường người nghệ sĩ đi vào kháng chiến: giữa sáng tác và các nhiệm vụ bức thiết của dân tộc; giữa tác giả và công chúng; giữa tác phẩm và cuộc sống; giữa nội dung và hình thức; giữa tính dân tộc và tính nhân dân… Một sự gắn nối không dễ tự nhiên mà có, mà phải thông qua biết bao tìm tòi, suy nghiệm, đấu tranh trên quá trình tự cải tạo và tự xây dựng ở mỗi người. Một quan hệ gắn nối, tiếp tục nâng cao thành sự gắn bó và hòa nhập với nhân dân trong kháng chiến, trên kết quả từng bước thực hiện khẩu hiệu “Cách mạng hóa tư tưởng. Quần chúng hóa sinh hoạt”, đó chính là đất đai nuôi trồng cho cây đời sáng tác được trọn vẹn tươi xanh.

cach mang thang tam khoi dong cua nen van hoa moi

Hát mừng ngày thành lập Đảng

Cố nhiên, cũng không thể không nhắc đến những khó khăn và thử thách ghê gớm mà cả một dân tộc phải chịu đựng và vượt lên khi vũ khí trong tay ở buổi đầu giành và giữ chính quyền chỉ là giáo mác, gậy tầm vông, bom ba càng… Cuộc kháng chiến bằng văn hóa cũng phải trải qua những khó khăn như thế khi cái động tác cấp bách ban đầu là phải đưa 95% số dân ra khỏi nạn mù chữ, rồi mới nói đến việc trang bị dần dần cho nhân dân cái vốn chữ, cùng các thứ vốn khác, để chuyển thành văn thơ nghệ thuật. Biết bao là khó khăn vào buổi đầu kháng chiến trong tình trạng chiến trường bị phân cách; mỗi địa phương, nhất là các miền xa như Khu Năm, Cực Nam và Nam Bộ phải tự tổ chức lấy đời sống văn hóa, văn nghệ sao cho phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của từng vùng.

Điều tự nhiên và dễ hiểu là những non yếu hoặc sai lạc mang tính ấu trĩ khó tránh vào những năm đầu sau cách mạng, ở một số nơi. Nhưng xu thế cơ bản là hướng tới sự thống nhất, hướng tới những giá trị chung cho toàn dân, cho cả nước. Từ phong trào báo tay, báo tường của bộ đội và trong các công binh xưởng; từ các cuộc thi văn thơ trên báo chí hoặc các địa phương; từ sáng tác tự phát hồn nhiên của công nông binh đến các giao ước thi đua của các lực lượng viết chuyên nghiệp… chỉ mới dăm năm sau ngày cách mạng thành công, văn học nghệ thuật đã nhanh chóng đạt được những giá trị ổn định, những thành tựu có ý nghĩa kết tinh qua các tác giả, tác phẩm thuộc mọi loại hình văn, thơ, nhạc, họa.

*

Như vậy là sau thời điểm tháng Tám 1945, nếu văn học - nghệ thuật sớm có một diện mạo mới trên sự hồi sinh của dân tộc, thì mặt khác, một cuộc cách mạng văn hóa cũng được khẩn trương tiến hành, từ những bước cơ bản nhất, để góp vào cách mạng chính trị. Một cuộc cách mạng văn hóa, theo đúng ý nghĩa chân chính của nó, với ý thức sâu sắc về vai trò của văn hóa và với sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, đã được tiến hành từng bước, từ việc chống giặc dốt, phát triển bình dân học vụ, gây phong trào Đời sống mới, “sửa đổi lối làm việc”, phát động thi đua ái quốc, xây dựng văn nghệ nhân dân… để từ đó mà đi sâu dần vào những yêu cầu cụ thể cho sự sáng tạo và chất lượng của văn học - nghệ thuật.

cach mang thang tam khoi dong cua nen van hoa moi

Những kết quả mang ý nghĩa cách mạng như trên chỉ có thể bắt nguồn từ những chỉ dẫn sâu sắc và kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ (1947), Sửa đổi lối làm việc (1947), Thư gửi hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II (1948), Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (1951) và luận văn Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) của Trường Chinh.

Cách mạng và Kháng chiến ghi những dấu ấn sâu sắc trên chặng đường mở đầu nền văn hóa - văn nghệ mới Việt Nam. Khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến” đưa lại một cảnh tượng thật sống động và lạc quan trong những năm kháng chiến cực kỳ gian khổ. Con đường văn nghệ trở lại sự gắn bó và cắm sâu vào hiện thực theo định hướng dân tộc, đại chúng và khoa học; con đường văn nghệ tìm nguồn sống và sức mạnh ở sự phô diễn những nguyện vọng bức thiết của nhân dân; con đường vừa gắn hòa với đại chúng, vừa từng bước nâng cao dần trình độ và nhu cầu của đại chúng… Tất cả đó chính là những khởi động có ý nghĩa nền móng cho sự phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ tiếp theo, cả trong chiến tranh, cả trong hòa bình, xây dựng và đổi mới đất nước.

Tháng 8/2016

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast