Cơ quan nào phân bổ số lượng ĐBQH của mỗi tỉnh, thành phố?

(Baohatinh.vn) - Tổng số ĐBQH khóa XIV là bao nhiêu? Việc dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV quy định như thế nào?

Hỏi - đáp về bầu cử

Tại cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến tổng số ĐBQH khóa XIV được bầu là 500 đại biểu.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng thay mặt đoàn Hà Tĩnh tham gia phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XII

Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng thay mặt đoàn Hà Tĩnh tham gia phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XII

Căn cứ vào dự kiến số lượng ĐBQH được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh.

- Việc phân bổ số lượng ĐBQH của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do cơ quan nào dự kiến và theo căn cứ nào?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây:

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

- Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số ĐBQH dự kiến được bầu là 500 người.

- Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu HĐND cấp xã được quy định như thế nào?

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND cấp xã được thực hiện theo nguyên tắc:

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 1.000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu;

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 1.000 dân đến 2.000 dân được bầu 20 đại biểu;

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến 3.000 dân được bầu 25 đại biểu; có trên 3.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;

- Xã, thị trấn không thuộc các quy định nêu trên có từ 4.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 4.000 dân thì cứ thêm 2.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;

- Phường có từ 8.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 8.000 dân thì cứ thêm 4.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

(Còn nữa)

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast