Công tâm, khách quan và trách nhiệm với việc bỏ phiếu tín nhiệm!

(Baohatinh.vn) - Một trong những nội dung được cử tri và nhân dân Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm trước thềm kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011-2016 là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

>> Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh: Đáp ứng sự mong đợi của cử tri!

Người dân kỳ vọng, tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm này, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ phát huy cao trách nhiệm, bản lĩnh chính trị trong mỗi lá phiếu để phiếu tín nhiệm thực sự là thước đo năng lực, phẩm chất cán bộ và cách ứng xử của họ trước chức trách, nhiệm vụ được giao.

Công tâm, khách quan và trách nhiệm với việc bỏ phiếu tín nhiệm! ảnh 1

Kiểm phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI

Tại kỳ họp giữa năm 2013, HĐND tỉnh thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ nhất. Bước khởi đầu này đã đem lại kết quả nhất định, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao. Các chỉ số tín nhiệm thực tế đã trở thành động lực thúc đẩy những người giữ chức vụ do HĐND bầu tập trung thời gian, công sức, trí tuệ nhiều hơn cho công tác thuộc phạm vi chỉ đạo, điều hành của mình; góp phần làm cho hoạt động của bộ máy nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hiệu lực và hiệu quả hơn.

Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ dành thời gian thỏa đáng cho việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm; kết quả cụ thể sẽ được công bố công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời tại kỳ họp và trên các phương tiện thông tin đại chúng để công luận, cử tri và nhân dân tỉnh nhà theo dõi, giám sát. Nhiều ý kiến khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm mục đích nhắc nhở mỗi chức danh được giao, được bầu nhìn nhận, đánh giá mình đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các cấp, ngành xem xét, đánh giá, bố trí cán bộ thời gian tới. Việc làm này chính là nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Với ý nghĩa lớn lao đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đứng trước yêu cầu, làm thế nào để không rơi vào hình thức, chiếu lệ; đồng thời, đảm bảo sự khách quan, công bằng, nghiêm túc. Lá phiếu đánh giá này liên quan đến sinh mệnh chính trị của người được lấy phiếu, bởi vậy, đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND phải công tâm, độc lập chính kiến, chắt lọc thông tin một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Có như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm mới thực sự thể hiện vai trò thay mặt nhân dân giám sát, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị của HĐND các cấp.

Sự khách quan, công tâm và bản lĩnh của người bỏ phiếu sẽ thể hiện được giá trị của sự đánh giá đối với mỗi chức danh được HĐND bầu, từ đó để người được bỏ phiếu tự soi mình bằng tinh thần cầu thị, nỗ lực nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đảm nhận tốt hơn trọng trách mà nhân dân, cử tri đã trao gửi niềm tin.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast