Cửa Tùng - làng xanh từ “tọa độ lửa”

(Baohatinh.vn) - Cửa Tùng - cửa biển đã thành “địa chỉ đỏ” ở Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong những ngày cả nước sục sôi đánh Mỹ. Trong quá khứ lập nên những chiến công hiển hách, trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân Cửa Tùng lại ra sức xây dựng làng xanh hơn, đẹp hơn.

Vững tay chèo trước lưới lửa đạn bom

Buổi sáng tháng tư này, nắng xanh và gió lộng. Sau khi bách bộ trên chiếc cầu Cửa Tùng dài và đẹp, thả hồn ngắm sông, ngắm biển, Trung úy Ngô Văn Lực dẫn tôi thăm Địa đạo 61. Mắt tôi bỗng nhòe đi khi nhìn lên tấm bia đá mang dòng chữ: “Ngày 20 tháng 6 năm 1967, giặc Mỹ đã ném bom giết hại 61 đồng bào Vĩnh Quang, trong đó có 12 cụ già, 13 phụ nữ (có 3 phụ nữ đang mang thai), 36 cháu nhỏ”. Chính vì vậy, địa đạo này mới có tên gọi “Địa đạo 61”. Nhưng sự kiện thảm khốc ấy không thể đè bẹp được ý chí và lòng quả cảm của nhân dân Vĩnh Quang “một tấc không đi, một ly không rời”.

Tại “Địa đạo 61”, dưới tượng đài hình chữ A sáng ngời ngôi sao vàng năm cánh, du khách thắp nén nhang tri ân lại một lần nữa thuộc thêm bài học lịch sử: “Bến đò A Cửa Tùng, nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân Vĩnh Quang, Đồn Công an vũ trang, Đoàn 1A hải quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1954, đây là nơi đấu tranh chính trị bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ đối với tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Cửa Tùng - làng xanh từ “tọa độ lửa” ảnh 1

Biển Cửa Tùng

Năm 1965-1972, là điểm giao thông quan trọng trên sông Bến Hải trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ. Với 82.000 lượt đò đã vận chuyển 2 triệu lượt người, hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, hàng hóa chiến đấu 392 trận, bắn rơi 4 máy bay, cùng Đoàn 1A hải quân bắn chìm 6 tàu chiến địch; hàng chục cán bộ đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, bến đò A là niềm tự hào quê hương lũy thép anh hùng”.

Chủ tịch HĐND thị trấn Cửa Tùng - Hồ Ngọc Bình nhớ lại: “Hồi nớ, bến đò A rộng mênh mông như rứa, trên trời, dưới nước mần răng mà che mắt tụi hắn được. Hàng ngày, pháo từ ngoài hạm tàu bắn vào, rồi từ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra. Máy bay địch đủ các loại, ngày đêm ném bom tới tấp xuống bến đò. Nhưng dẫu có chết thì dân đây đâu có sợ, kể cả những lúc chúng rải bom từ trường, bom nổ chậm dày đặc lòng sông và ở hai đầu bến, người dân vẫn ngày đêm vững tay chèo cho con thuyền rẽ nước đưa bộ đội vượt sông”.

Để đưa bộ đội vượt sông an toàn, phải có đội “cảm tử quân” rà phá bom mìn. Ban chỉ huy xã đội Vĩnh Quang hồi đó đã triển khai một tổ rà phá bom mìn từ dưới lòng sông đến trên bờ, phối hợp với bộ đội công binh Đoàn 270, vừa rà phá bằng khí tài, vừa kết hợp với phương tiện thủ công. Trang sử quê hương còn in đậm nét: “Các chiến sĩ Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Lân, Trần Nhỡ kết hai hoặc ba vỏ thùng phuy xăng, buộc vào sợi dây dài hơn 150m rồi thả xuống dòng nước. Người đi trước theo chiều dòng chảy, cầm sợi dây kéo chiếc bè thùng phuy gặp bom từ trường dưới lòng sông kích nổ. Cũng có lúc do yêu cầu khẩn cấp phải nhanh chóng thông bến, chiến sĩ ta dùng thuốc nổ đánh xuống lòng sông kích nổ dây chuyền...”.

Cụ Bảy Tri - một bậc cao niên trong làng Vĩnh Quang đã từng tham gia vận chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ vẫn nhớ rành rọt: Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu nên tháng 9/1964, Khu ủy Vĩnh Linh đã ra lời kêu gọi “Tất cả vì đảo” với quyết tâm “còn đảo, còn đất liền”. Lời kêu gọi ấy là lời hịch vang vọng khắp sông quê, bến nước Cửa Tùng, ai cũng háo hức được ra Cồn Cỏ. Tinh thần yêu nước không chỉ thắp sáng trái tim tuổi trẻ mà hừng hực trong tim tuổi già. Các cụ Hồ Ngọc Kiền, Hồ Ngọc Kỉnh, Lê Ẹt, Lê Ngẫu, Hồ Ngọc Bớt, Phạm Chung là những ngư dân khỏe mạnh lại có nhiều kinh nghiệm dong thuyền ra khơi, vào lộng, thay phiên nhau chở hàng chục chuyến lương thực, thực phẩm, vũ khí đến với các chiến sĩ mặt trận đảo Cồn Cỏ an toàn.

Cụ Bảy Tri ghìm nén xúc động kể: Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cấp trên cho 2 cụ Phạm Chung và Hồ Ngọc Bớt về, nhưng các cụ vẫn xin ở lại để tiếp tục cầm lái, đưa thuyền ra đảo. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp đó, Chi đoàn vận tải Đoàn 22 đã kết nạp 2 cụ làm “đoàn viên danh dự”. Ngày 28/1/1967, trong một chuyến chở quà bánh, lương thực của đồng bào cả nước gửi các chiến sĩ Cồn Cỏ đón Tết Đinh Mùi, thuyền 2 cụ bị tàu địch bắn chìm. Cụ Chung, cụ Bớt đã anh dũng hy sinh.

Bức tranh ngày mới

Trong buổi làm việc với Đảng ủy thị trấn Cửa Tùng, anh Lê Văn Cường - Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: “Cách đây 5 năm, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển KT-XH và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của vùng đông trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết và điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập thị trấn Cửa Tùng trên cơ sở xã Vĩnh Quang và một phần xã Vĩnh Thạch... với diện tích 469,4 ha, 6.256 nhân khẩu. Đây chính là bước đột phá, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn địa phương thì gặp nhiều khó khăn. Để vượt qua những rào cản, cấp ủy và chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống vùng đất anh dũng, kiên cường, tạo nên sức mạnh từ ý Đảng - lòng dân.

Cửa Tùng phát triển kinh tế theo hướng: thương mại - dịch vụ, du lịch, sản xuất nông - lâm - ngư. Muốn cả 3 mũi chiến lược này cùng chuyển động, dĩ nhiên, thị trấn Cửa Tùng phải có một cuộc chỉnh trang về cơ sở hạ tầng. Trên cơ sở quy hoạch chung thị trấn, địa phương tập trung nguồn lực, đầu tư nâng cấp các công trình phúc lợi như hệ thống giao thông, điện, đường, trường học...

“Năm năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều”. Không phải chỉ người con xa xứ lâu ngày về thăm quê mà chính những du khách hôm nay về lại Cửa Tùng sẽ ngỡ ngàng trước những con đường liên khu 4 Thạch, đường khu dân cư Trạng Vụng, đường vào trung tâm khu hành chính, đường từ giếng Mội ra bến đò A phẳng lỳ mặt nhựa. Dưới những cung đường ấy, mát rượi bóng cây xanh, nhấp nhô những mái trường, công sở và những ngôi nhà khang trang của cư dân.

Đêm tháng tư đi trong ánh trăng thanh, bãi biển điện sáng như sao sa, nhìn ra khơi xa, những đoàn thuyền dung dăng đánh cá mới thấm được nét thi vị Cửa Tùng. Ban đêm, Cửa Tùng đẹp mộng mơ; ban ngày, Cửa Tùng đẹp rực rỡ. Tôi đứng dưới chân cột hải đăng chiêm ngưỡng “đường mi vàng” của bãi biển Cửa Tùng. Bờ cát vàng dài hơn một cây số với độ dốc thoai thoải, nước biển xanh như mắt ngọc đã trở thành bãi tắm lý tưởng cho du khách.

Hai bãi đá ngầm ăn sâu ra biển từ hai phía là mũi Si và mũi Lai đã tạo nên một vịnh nhỏ và kín đáo. Không có các dòng hải lưu cuộn xoáy, khi bơi ở bãi biển này không lo sóng dập, nước cuốn. Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn cát, nhà chòi với số vốn gần 45 tỷ đồng. Trong tương lai gần, khi hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ được nâng cấp, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, lượng du khách trong và ngoài nước đến bãi tắm Cửa Tùng sẽ tăng lên.

Khi tôi hỏi về kinh tế biển, một cán bộ Phòng Nông nghiệp thị trấn Cửa Tùng hồ hởi: “Khai thác, thu mua, chế biến, nuôi trồng thủy sản là hướng đi lâu dài và ổn định nhất. Với những chính sách mềm dẻo của Nhà nước, nhân dân Cửa Tùng đã phát huy lợi thế khu hậu cần nghề cá, mạnh dạn mở các loại hình kinh doanh như hấp sấy cá, chế biến đông lạnh. Riêng Doanh nghiệp Ngọc Tuấn đã đầu tư xây dựng khu sản xuất tinh bột cá, thu mua hải sản xuất khẩu với số vốn gần 25 tỷ đồng và nhà máy chả cá hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với thu nhập khá. Đến nay, thị trấn Cửa Tùng đã có 10 cơ sở chế biến thủy sản, 4 kho đông lạnh...”.

Mải vui chuyện làm ăn, hoàng hôn buông xuống lúc nào không hay, tôi rời thị trấn. Thật lạ, khi dạo qua khu chợ, người vẫn tấp nập. Cơ man hải sản từ bến lên với những tiếng chào mời đon đả. Hôm nay, đúng ngày rằm, bến nước Cửa Tùng dờn dợn ánh trăng vui đùa cùng sóng biếc. Bỗng dưng, tôi lại khao khát được nghe khúc tình ca về biển.

Tháng 4/2015

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast