Cuộc “cách mạng” trong công tác quản lý hộ tịch

(Baohatinh.vn) - Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 được coi là cuộc “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Những điểm mới, trong đó, có quy định về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã được người dân tích cực đón nhận và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Sau 3 tháng triển khai, việc đăng ký, quản lý hộ tịch đã từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân các địa phương.

Chuyển giao đăng ký hộ tịch ở UBND cấp huyện, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Chuyển giao đăng ký hộ tịch ở UBND cấp huyện, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Theo quy định của Luật Hộ tịch, từ ngày 1/1/2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài sẽ do UBND cấp huyện thực hiện thay vì sở tư pháp như lâu nay.

Nhằm đảm bảo cho hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch theo thẩm quyền mới được diễn ra nhịp nhàng, thông suốt, ngay khi Luật Hộ tịch được thông qua, Sở Tư pháp cũng như các đơn vị, địa phương liên quan đã có nhiều hoạt động triển khai như: tập huấn sử dụng phần mềm dữ liệu, biên soạn, cấp phát tài liệu; bố trí đầy đủ nhân sự, cơ sở vật chất... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhờ đó, việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài giao về cho cấp huyện, mọi hoạt động đều diễn ra theo đúng quy trình, đạt hiệu quả cao.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký kết hôn cho 25 đôi, khai sinh 10 trường hợp, ghi chú kết hôn 5 đôi, giải quyết ly hôn 6 trường hợp và nhận cha - con 1 trường hợp (có yếu tố nước ngoài). Trong đó, Nghi Xuân là đơn vị thực hiện thẩm quyền mới về đăng ký hộ tịch. Chỉ tính riêng việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, 3 tháng qua, huyện đã thực hiện cho 7 cặp vợ chồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Hoàng Thạch - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân cho biết: Nhờ sự chuẩn bị tốt cả về nhân, vật lực nên việc nhận chuyển giao nhiệm vụ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được Phòng Tư pháp huyện thực hiện đúng quy trình, luật định. Đến thời điểm này, chưa thấy vướng mắc, khó khăn gì. Điều quan trọng nhất là, với quy định mới thuận lợi trong đi lại, giảm chi phí và thời gian, người dân yên tâm đến với phòng tư pháp hơn khi có nhu cầu đăng ký hộ tịch.

Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho các huyện, Luật Hộ tịch mới còn bỏ thủ tục phỏng vấn trong đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Bà Trần Thị Ái Vân - Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Kết hôn là quyền hiến định, là tự do của mỗi người, chỉ cần họ có đủ điều kiện và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, cơ quan hành chính nhà nước không nên can thiệp quá sâu. Việc bỏ phỏng vấn là hoàn toàn cần thiết vì trên thực tế, thủ tục này chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời gian.

Với việc bỏ thủ tục phỏng vấn, thời gian giải quyết đăng ký kết hôn giảm xuống chỉ còn 10 ngày (trước đây 25 ngày). Đặc biệt, UBND tỉnh đã công bố thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch với nhiều cải cách về mặt thời gian. Theo đó, thời gian giải quyết đăng ký kết hôn của UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ còn 5 ngày. Chị Thái Thị T. ở huyện Kỳ Anh đang làm thủ tục đăng ký kết hôn với chồng là người Bỉ đánh giá: “Những quy định mới của pháp luật đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tôi. Để làm thủ tục đăng ký kết hôn, đòi hỏi phải có cả 2 vợ chồng mà chúng tôi đều là những chuyên gia kinh tế nên có rất ít thời gian. Đó là chưa nói những ưu điểm về mặt hồ sơ, trình tự và đi lại, giao dịch”.

Việc giao thẩm quyền quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện là một bước tiến dài của cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi có nhu cầu. Đây được coi là một cuộc “cách mạng”, một sự phân cấp cần thiết, đáp ứng yêu cầu trong tiến trình hội nhập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast