Đại biểu băn khoăn về bồi thường đất Dự án sân bay Long Thành

(Baohatinh.vn) - Sáng 27/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thảo luận tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Trên cơ sở Tờ trình số 405/TTr-CP ngày 05/10/2017 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế về Báo cáo tiền khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành, đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các đại biểu trong tổ thảo luận còn băn khoăn và đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề.

dai bieu ban khoan ve boi thuong dat du an san bay long thanh

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Về bồi thường đất đối với những trường hợp có chung quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ về đất đối với trường hợp đất có diện tích đo đạc thực tế khác so với diện tích đất ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; bồi thường thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh đối với tổ chức kinh tế; bồi thường về di chuyển mồ mả; bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình và bồi thường về đất cho người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Mặt khác, đại biểu băn khoăn nhiều vấn đề về đánh giá tác động môi trường, tính hiệu quả về kinh tế - xã hội của dự án; vấn đề về tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của cư dân; việc di dời các nhà thờ, miếu mạo và di dời trong khu vực dự án là 2.183 ngôi mộ...

Đặc biệt là về công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho hơn 40% hộ dân sinh sống bằng nghề nông trên tổng số 4.330 hộ gia đình bị giải tỏa với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 5.585,14 ha...

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cơ và rút kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư của các dự án lớn trong cả nước để tránh được những hệ luỵ khó lường nhất là các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội đảm bảo đời sống cho người dân sau khi tái định cư.

Tham gia thảo luận về dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Lê Anh Tuấn nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

dai bieu ban khoan ve boi thuong dat du an san bay long thanh

Đại biểu Lê Anh Tuấn phát biểu ý kiến

Sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát để làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các luật khác có liên quan, như Bộ Luật hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Luật Viễn thông, Luật Phí và Lệ phí, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng…, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn, giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh một số nội dung cần xem xét, quy định phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế của phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, chính sách cạnh tranh, quản lý nhà nước về cạnh tranh và tố tụng trong cạnh tranh...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast