Để không còn những chính sách xa rời thực tế

Thời gian qua, có không ít văn bản, quy định do cơ quan quản lý hành chính nhà nước ban hành còn nhiều bất cập, xa rời thực tế và không đi vào cuộc sống. Mặc dù đã được các cơ quan thông tin đại chúng đề cập khá nhiều, song vấn đề này thực sự được dư luận, cử tri quan tâm khi các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội.

Thời sự suy nghĩ

Trong một phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thẳng thắn: Nhiều bộ, ngành đã đề xuất hoặc trực tiếp ban hành các quy định xa rời thực tế, thiếu khả thi, cá biệt còn trái luật như báo chí đã nêu. Những văn bản như vậy gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin trong dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu lực quản lý. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo ra tình trạng nhờn pháp luật”.

Có thể nói, Nhà nước pháp quyền của chúng ta có cả một hệ thống cơ quan hành chính cũng như các văn bản quy định khá đầy đủ về quy trình xây dựng và ban hành chính sách nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến và tính khả thi của những chính sách khi được ban hành nhưng nhiều trường hợp vẫn “lọt lưới”, có chính sách vừa triển khai đã phải dừng. Chẳng hạn như những quy định về phạt xe không chính chủ đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí, giữa các cơ quan chức năng cũng không có được tiếng nói chung. Hay như việc ghi tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân, hơn 10 năm qua, quy định này không có tính khả thi nhưng gần đây lại được mang ra thí điểm. Nói về vấn đề này, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng: “việc này đâu cần cho quản lý nhà nước, cũng không cần cho nhân dân, lại xâm phạm bí mật đời tư và có thể gây xáo trộn quan hệ gia đình và xã hội, dẫn đến phát sinh tranh chấp trong một số lĩnh vực…”.

Không chỉ trên lĩnh vực xã hội mà cả lĩnh vực kinh tế cũng còn nhiều quy định bất cập. Trong vụ đông xuân vừa qua, Nhà nước đã phải chi hơn 200 tỷ đồng để hỗ trợ lãi

suất cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Tuy nhiên, chính sách này đã và đang bộc lộ khá nhiều bất cập và không mang lại hiệu quả... Hay, trong lúc VSATTP đang là một “vấn nạn” thì cách đây không lâu, một vị lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ cho nhập nội tạng trắng... (!?) Từ “căn bệnh” ban hành chính sách xa rời thực tế nêu trên, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; cần có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những cơ quan và tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc đưa ra những chính sách xa rời thực tế, gây tác hại lớn cho nhân dân, cho đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast