Đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư cho quốc phòng,"tam nông"

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (23/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014...

>> Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tổ về các dự án luật

Đại biểu Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm đảm bảo an sinh cho 80 % dân số là nông dân
Đại biểu Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm đảm bảo an sinh cho 80 % dân số là nông dân

Tham gia thảo luận, các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đánh giá và cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ: Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trường GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo), 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch (tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP, tỷ lệ giảm hộ nghèo - riêng tỷ lệ giảm hộ nghèo ở các huyện nghèo vượt kế hoạch).

vậy, so với số đã báo cáo Quốc hội, kết quả đánh giá lại có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp (tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị).

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư năm thứ hai liên tiếp. So với kết quả đạt được cho thấy mục tiêu tổng quát Quốc hội đề ra cho năm 2013 đã cơ bản hoàn thành.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, kinh tế vĩ mô tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát được kiềm chế, thu ngân sách đạt khá so với dự toán, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến, thanh khoản ở một số ngân hàng được cải thiện, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo…

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung và cao hơn mức tăng 2,24% của quý I/2013; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, đóng góp 1,88 điểm phần trăm và cao hơn mức tăng 4,61% cùng kỳ năm 2013; khu vực dịch vụ tăng 5,95%, đóng góp 2,76 điểm phần trăm và cao hơn mức tăng 5,65% cùng kỳ. Như vậy, trong quý I/2014, cả 3 khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực điều hành của Chính phủ trong những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát được kiềm chế; thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến ở một số lĩnh vực ưu tiên; thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao, đặc biệt là xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trở lại.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ đạt kết quả khá. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và thực hiện tăng; tiến độ giải ngân vốn ODA đạt khá. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư tiếp tục đạt kết quả bước đầu tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Chính trị, xã hội ổn định. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng; công tác đối ngoại được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 4 tháng đầu năm cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế:

Tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, lạm phát đã được kiềm chế nhưng vẫn tồn tại những yếu tố gây lạm phát cao trở lại. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với tiến độ huy động vốn của các tổ chức tín dụng; việc xử lý nợ xấu còn chậm so với yêu cầu. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các ngành, sản phẩm, cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiếp cận tín dụng khó khăn, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao.Trong nông nghiệp, việc khôi phục chăn nuôi gia súc sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm và phục hồi gia cầm sau dịch còn khó khăn do sức mua giảm, chi phí đầu vào cao...

Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, nhất là ở những người nghèo các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Một số dịch bệnh ở trẻ em trong thời gian chuyển mùa như sởi, thủy đậu, chân tay miệng... diễn ra trên diện rộng và còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường.

Quản lý nhà nước về giáo dục tuy đã có những đổi mới về tư duy và hành động nhưng vẫn còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các tệ nạn xã hội, tội phạm như: ma túy, mại dâm, cờ bạc và nhiều tệ nạn xã hội khác chưa được khắc phục.

Các hoạt động vi phạm chủ quyền, các thế lực thù địch gây nhiều khó khăn cho việc phát triển nền kinh tế và ổn định xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến rất phức tạp...

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Qua phân tích, đánh giá tình hình, đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2014, đại biểu Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao sự nỗ lực điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế -xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép ở vùng biển nước ta đã gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ, xử lý kịp thời, sớm ổn định tình hình, để kinh tế tiếp tục phát triển.

Mặt khác, đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm đảm bảo an sinh cho 80 % dân số là nông dân (như hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay...); tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu vỏ thép đánh bắt xã bờ bám biển bảo vệ chủ quyền...

Chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng chiến lược sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, trên cơ sở liên kết vùng, liên vùng, liên tỉnh để đồng nhất một loại giống, một sản phẩm và một công nghệ chế biến sau thu hoạch. Muốn vậy, cần có quy hoach phát triển KT- XH vùng, liên vùng, liên tỉnh thì mới thực hiện được mục tiêu này.

Đề nghị Chính phủ, BCĐ quốc gia xây dựng nông thôn mới tăng cường đầu tư nguồn lực thoả đáng cho chương trình này nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; giành nguồn lực ưu tiên cho các tỉnh thuộc nhóm tỉnh nghèo, thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ, thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Quan tâm những vấn đề từ ý kiến cử tri Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng nhà vượt lũ cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh nhằm bảo đảm cho nhân dân vùng lũ an tâm làm ăn, sinh sống. Đề nghị Chính phủ cân đối bố trí kịp thời nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình có công với cách mạng.

Đại biểu Trần Ngọc Tăng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành trung ương tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế đã và đang gây nhiều bức xúc, lo lắng cho cử tri và nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast