Diễn đàn AMF-4 và EAMF-2 tập trung về hợp tác an ninh biển

Tại diễn đàn AMF-4 và EAMF-2, các đại biểu đã tập trung trao đổi ý kiến về tình hình hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh biển...

Trong các ngày 1-3/10/2013 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đã diễn ra Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 4 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 2, với sự tham dự của các quan chức cao cấp chính phủ, các nhà nghiên cứu và chuyên gia các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các nước đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia, Nga và New Zealand.

Đoàn Việt Nam do ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Quan chức Cao cấp ASEAN của Việt Nam, dẫn đầu tham dự các Diễn đàn trên.

Tại các diễn đàn AMF-4 và EAMF-2, các đại biểu đã tập trung trao đổi ý kiến về tình hình hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh biển trong các cơ chế hợp tác của ASEAN, giữa ASEAN và các bên đối tác thông qua các khuôn khổ hiện có như: Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… và thảo luận các định hướng, biện pháp tăng cường phối hợp và hợp tác, cũng như các trọng tâm ưu tiên về hợp tác biển trong thời gian tới.

Tại các phiên thảo luận, đại biểu các nước đều chia sẻ, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác biển ở khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhằm bảo đảm an ninh biển, xây dựng lòng tin, môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước và quan hệ kinh tế thương mại ở khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh và đoàn Việt Nam tại Diễn đàn AMF-4. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+) (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh và đoàn Việt Nam tại Diễn đàn AMF-4. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+) (Ảnh minh họa)

Các đại biểu cũng ủng hộ việc xem xét tăng cường hợp tác về nghiên cứu biển, ứng phó thiên tai, tăng cường kết nối an ninh trên biển ở khu vực, hợp tác về chống cướp biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn và quản lý các sự cố hoặc khả năng khủng hoảng trên biển.

Đồng thời, các đại biểu cũng nhấn mạnh duy trì đối thoại xây dựng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Các đại biểu đánh giá cao vai trò và đóng góp của Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) trong việc điều phối các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN. Hiện nay có 11 cơ chế về hợp tác biển trong ASEAN với nhiều hoạt động hợp tác chuyên ngành cụ thể thông qua các kênh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, giao thông vận tải, ngư nghiệp và nghề cá, du lịch, môi trường…

Theo đó, các đại biểu nhất trí cần tăng cường chia sẻ thông tin, điều phối và phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành về hợp tác biển của ASEAN nhằm nâng cao hiệu quả, tính bổ sung, tránh trùng lặp các hoạt động hợp tác. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn, tập trung vào định hướng và hỗ trợ chính sách cho các cơ quan chuyên ngành, nhằm bảo đảm mục tiêu thống nhất của hợp tác biển đồng thời duy trì tính đặc thù của mỗi khuôn khổ và cơ chế hợp tác chuyên môn.

Các đại biểu ASEAN đánh giá cao sự tham gia và đóng góp của các nước đối tác của ASEAN trong các hoạt động hợp tác và hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực, đồng thời bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở. Các nước đối thoại khẳng định tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF).

Các đại biểu trao đổi và nhất trí thúc đẩy triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác biển, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hai bên có lợi ích như tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, đào tạo thủy thủ, chống cướp biển… Các đại biểu cũng nhất trí cần tiếp tục duy trì EAMF là diễn đàn đối thoại về hợp tác biển giữa ASEAN với các nước đối tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực; đưa các hoạt động của Diễn đàn vào chiều sâu với cơ chế và hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên ngành trong các vấn đề liên quan đến biển.

Các đại biểu cũng nhất trí trong quá trình hợp tác về an ninh biển, các nước cần thực hiện và bảo đảm các nguyên tắc về tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải, tôn trọng quyền làm ăn và mưu sinh của người dân, nhất là ngư dân, và tăng cường xây dựng lòng tin và trách nhiệm của lực lượng chấp pháp.

Phát biểu tại các Diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh chia sẻ với các đánh giá về vai trò quan trọng của AMF và EAMF trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin trong hợp tác và an ninh biển. Trước những thách thức truyền thống và phi truyền thống ảnh hưởng đến môi trường hợp tác biển, các nước cần nỗ lực tăng cường hợp tác trên tinh thần xây dựng, biến vùng biển này thành khu vực hòa bình, an ninh, an toàn và hợp tác, cũng như đóng góp vào xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Để thực hiện được mục tiêu này, các nước cần phải tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, đồng thời nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc, thỏa thuận chung của khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và luật pháp quốc tế./.

Theo Bộ Ngoại giao

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast