Hà Nội - Trái tim hồng

(Baohatinh.vn) - Ngược dòng lịch sử, nếu chỉ căn cứ trên tên gọi của Hà Nội ngày nay thì đây đã là vùng đất địa linh nhân kiệt từ rất xa xưa...

Kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014)

Từ thời Cao Biền đã có thành Đại La (886). Mùa thu năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La, đặt tên mới cho Thủ đô là Thăng Long - rồng bay lên. Sau đó, Hà Nội còn trải qua nhiều tên gọi khác: Đông Đô, Đông Quan, Bắc Thành, rồi quay lại tên Thăng Long. Tên gọi Hà Nội chính thức có từ năm 1831, với vị trí hành chính là cấp tỉnh, theo cách thức tổ chức dưới thời vua Minh Mạng. Theo thời gian, Hà Nội có nhiều tên gọi, nhưng mãi mãi vẫn là mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Hà Nội thuở thế kỷ XVIIII. Ảnh tư liệu từ internet

Hà Nội thuở thế kỷ XVIIII. Ảnh tư liệu từ internet

Quá trình mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam, Thăng Long - Hà Nội được những người con đất Việt dành cho một tình cảm đặc biệt:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời nam thương nhớ đất Thăng Long

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô nước Việt Nam độc lập. Ngày 2/9 năm ấy, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cuối năm 1946, khi thực dân Pháp gây hấn hòng chiếm nước ta một lần nữa, Hà Nội với tư cách Thủ đô lại trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu với kẻ xâm lược.

Trong những ngày tháng gian nan ấy, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, những người lính cảm tử với bom ba càng trong tay, những người dân phố Hàng Ngang, Hàng Đào mang bàn ghế ra dựng chiến lũy trên đường phố... theo lời Bác Hồ, quyết hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập nước nhà. Những chiến binh dũng cảm ấy sau 57 ngày đêm bám trụ, khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch ở Thủ đô đã rút qua cầu Long Biên lên chiến khu Việt Bắc, theo Đảng, theo Bác làm cuộc chiến tranh thần thánh chống Pháp.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: T.L

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: T.L

Lịch sử thường đi những lối bất ngờ, năm 1972, quân và dân Thủ đô lại lập nên chiến công oanh liệt với trận “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc.

Ngày 10/10/1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội đã được giải phóng, mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đoàn quân giải phóng ấy, có bao người đã từ trong chiến hào Hàng Cỏ, Nguyễn Du, Ô Đống Mác, những tự vệ Đồng Xuân trong bộ quân phục màu xanh lá cây, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào Năm Cửa Ô. Buổi sáng hôm đó, trời mát dịu. Buổi chiều, nắng vàng rực rỡ, khiến lá cờ hồng tươi càng sáng chói trước ngọn gió đầu ô. Những bó hoa trong tay các thiếu nữ vẫy chào. Hà Nội ngập tràn một màu hoa tinh khôi, tươi thắm. Ngày giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Hà Nội và cả nước.

Đường Thanh Niên - Hà Nội

Đường Thanh Niên - Hà Nội

Cũng như nhiều nơi khác trên cả nước, Hà Nội - Hà Tĩnh cách xa trên 300 km, nhưng tình cảm gắn bó thật tự nhiên. Phải chăng đó là tình cảm của một địa phương đối với Thủ đô? Đúng, nhưng hơn thế, Hà Nội là mảnh đất thiêng, nơi “lắng hồn sông núi ngàn năm”. Trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, biết bao người con ưu tú của Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu để góp phần bảo vệ Thăng Long - Hà Nội. Thời đánh Mỹ, kẻ thù ném bom Hà Nội, động đến nơi thiêng liêng nhất của cả dân tộc, cào xé trái tim từng người dân Hà Tĩnh. Ngược lại, cũng đã từng có nhiều con người hào hoa đất kinh kỳ tham gia lao động, chiến đấu trên dải đất Hồng Lam, góp phần làm cho Hà Nội - Hà Tĩnh thêm gắn bó keo sơn.

Hà Nội - Trái tim hồng ảnh 4

Hồ Gươm - Hà Nội

Từ xưa tới nay, thời nào cũng có rất nhiều người Hà Tĩnh sống ở Thăng Long - Hà Nội đã góp phần vào sự phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chỉ tính từ thế kỷ XVIII về sau, các bậc tài danh quê Hà Tĩnh như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du... bằng tài năng của mình đã làm rạng danh đất Hà thành. Noi gương các bậc tiền nhân, con em Hà Tĩnh tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ, góp phần đưa Thủ đô vươn lên tầm cao mới, được Đảng bộ và nhân dân Hà Nội ghi nhận. Trong số này, có thể kể đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng; các nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, GS sử học Phan Huy Lê v.v...

PGS-TS Phạm Ngọc Anh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), người con quê hương Hà Tĩnh, tâm sự: Hà Nội hào hoa và thanh lịch đang bước vào những ngày thu lịch sử, kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Bầu trời thu như được đẩy lên cao hơn, khoáng đạt và trong veo, sâu thẳm hơn. Về đêm, hương hoa sữa tỏa hương ngan ngát, thơm nồng. Mùi hương nồng nàn, say đắm, khiến những người yêu Hà Nội xa xứ rưng rưng. Hoa sữa, mùi hương không chỉ ở đường Thanh Niên, Nguyễn Du, công viên Bách Thảo... Hương hoa sữa ở trong lòng những người yêu Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến. Hà Nội - trái tim của cả nước mãi hồng tươi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast