Hà Tĩnh nhạy bén và sáng tạo trong Cách mạng tháng Tám

(Baohatinh.vn) - Sau phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, địch tiến hành đàn áp đẫm máu, hầu hết cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, chém giết, tù đày, các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở hầu như tan rã. Tuy vậy, phong trào cứ âm ỉ và tiếp tục bùng lên trong những năm 1936-1938...

Lấy cớ đàn áp cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và cuộc bạo động ở huyện Hương Sơn, địch lại tiến hành đàn áp dã man với những thủ đoạn thâm độc, gây thiệt hại lớn cho phong trào cách mạng cả nước cũng như ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (tháng 11/1939) và Hội nghị T.Ư 8 (tháng 5/1941), đặc biệt là chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh tiếp tục dấy lên mạnh mẽ.

Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ảnh tư liệu
Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ảnh tư liệu

Lúc này, mặc dầu Tỉnh ủy chưa được kiện toàn, chỉ một số huyện ra đời được ban cán sự đảng, nhưng đa phần các cuộc đấu tranh của quần chúng đều do đảng viên của Đảng Cộng sản lãnh đạo hoặc làm nòng cốt. Bởi vậy, khi biết tin Nhật đầu hàng đồng minh (ngày 13/8/1945) và đặc biệt khi có chủ trương tổng khởi nghĩa từ Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào (ngày 14 - 15/8/1945), Phân khu Việt Minh Nam Hà nhận định, thời cơ khởi nghĩa đã đến và nêu quyết tâm nhanh chóng vùng lên đập tan bộ máy chính quyền bù nhìn và tay sai; đồng thời, cử ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh cùng với việc ráo riết chuẩn bị lực lượng chờ lệnh tổng khởi nghĩa.

Biết được tin từ Hội nghị Tân Trào và sau khi gặp đại diện của Phân khu Việt Minh Nam Hà, sáng 16/8/1945, một nhóm thanh niên, trí thức ở huyện Can Lộc đã huy động quần chúng dùng giáo mác, gậy gộc biểu tình tước vũ khí lính bảo an, bắt giữ tri huyện và chiếm huyện đường. Trước tình hình đó, ngay trong ngày, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Can Lộc đã huy động nhân dân đứng lên giành chính quyền trong toàn huyện. Can Lộc là huyện đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền trọn vẹn trong Cách mạng tháng Tám.

Từ thành công của khởi nghĩa giành chính quyền ở Can Lộc, Ủy ban Khởi nghĩa đã ra lệnh khởi nghĩa trong toàn tỉnh và chỉ đạo 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà nhanh chóng giành chính quyền vào ngày 17/8/1945 để phối hợp và hậu thuẫn cho thị xã Hà Tĩnh giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Sáng 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa gửi thư cho đơn vị quân Nhật ở thị xã Hà Tĩnh yêu cầu không được can thiệp vào công việc nội bộ của tỉnh, đồng thời, huy động nhân dân kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng Hà Văn Đại đầu hàng.

Chính quyền cách mạng lâm thời ở Hà Tĩnh được thành lập do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch. Gần trưa ngày 18/8/1945, nhân dân khắp nơi kéo về sân vận động thị xã Hà Tĩnh dự buổi lễ trọng thể tuyên bố cuộc tổng khởi nghĩa thành công và ghi nhận sự ra đời của chế độ mới. Sau khi giành được chính quyền ở tỉnh lỵ, lần lượt các huyện trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Do xa trung tâm, nhận thông tin chậm nên đến ngày 21/8/1945, sau khi tước khí giới binh lính ở đồn Chu Lễ, nhân dân huyện Hương Khê đã kéo về giành chính quyền ở huyện. Như vậy, chỉ trong 5 ngày, mở đầu là huyện Can Lộc, kết thúc ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh một cách trọn vẹn và an toàn, trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Hà Tĩnh nhạy bén và sáng tạo trong Cách mạng tháng Tám ảnh 2
Phát huy truyền thống, Hà Tĩnh đã tạo bước đột phá mang lại những thành quả tự hào trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh.

Thắng lợi này trước hết là kết quả sự định hướng khoa học, chính xác của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đón thời cơ và chớp thời cơ để giành chính quyền. Nhờ chủ trương linh hoạt của trung ương trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, Hà Tĩnh đã kịp thời, nhanh nhạy, nắm bắt thời cơ phát động toàn dân đứng lên cùng cả nước giành chính quyền.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Hà Tĩnh là kết tinh truyền thống yêu nước của quê hương và dân tộc hun đúc từ bao đời, được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ. Mặc dù liên tục bị quân thù đàn áp khốc liệt, gây hậu quả nặng nề, tổ chức đảng nhiều lần bị phá vỡ, song, kẻ địch không thể lay chuyển được tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ cộng sản và lòng tin của nhân đân đối với Đảng, vào sự tất thắng của cách mạng.

Có thể nói, Cách mạng tháng Tám ở Hà Tĩnh đã thể hiện rất rõ tính chủ động sáng tạo của quần chúng cách mạng. Trong điều kiện Tỉnh ủy bị địch truy lùng chưa kịp kiện toàn, tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở nhiều nơi chưa được lập lại nhưng các đảng viên phần đông từ lao tù mới ra đã lãnh đạo quần chúng nhân dân nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh đứng lên giành chính quyền. Từ việc giành chính quyền đầu tiên ở Can Lộc đến giành chính quyền nhanh, gọn trong toàn tỉnh đã minh chứng hùng hồn cho tính chủ động và sáng tạo, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân trong tỉnh. Có được thành quả đó một phần là nhờ nhân dân đã được tôi luyện, tập dượt qua phong trào Xô viết 1930-1931 và phong trào đấu tranh dân chủ những năm 1936-1938.

Phát huy truyền thống Cách mạng tháng Tám, ngày nay, Hà Tĩnh đã có những quyết sách năng động và sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo, đón bắt thời cơ, kêu gọi đầu tư, phát huy sức mạnh tổng lực, tạo bước đột phá mang lại những thành quả tự hào trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast