Hà Tĩnh trên đà hội nhập và phát triển

Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) năm 2011 là diễn đàn có vai trò hết sức quan trọng nhằm trao đổi những ý kiến giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ về tình hình phát triển KT -XH của Việt Nam; đánh giá việc thực hiện các cam kết, từ đó đề ra các biện pháp phối hợp nâng cao hiệu quả viện trợ. Hội nghị CG giữa kỳ năm nay còn là dịp để các nhà tài trợ nắm bắt rõ hơn về tiềm năng, lợi thế cũng như tình hình phát triển KT -XH, kết quả thực hiện các dự án ODA trên địa bàn Hà Tĩnh; qua đó có những giải pháp, phương thức hỗ trợ kịp thời, thiết thực hơn để Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng phát triển bền vững.

Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Võ Kim Cự

Với diện tích hơn 6.000km2, dân số gần 1, 3 triệu người, Hà Tĩnh là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc. Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với nhiều cảng, đặc biệt là cảng nước sâu Vũng áng, Sơn Dương cho phép tiếp nhận tàu từ 5 vạn đến 40 vạn tấn; có hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện với các tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh chạy dọc địa bàn và các tuyến quốc lộ 8A, đường 12 nối liền hành lang Đông – Tây thuận lợi cho việc giao lưu phát triển KT -XH với nước CHDCND Lào và các tỉnh vùng Đông – Bắc Thái Lan.

Nơi đây còn là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản như: sắt Thạch Khê (ước tính trữ lượng 544 triệu tấn), ti-tan, mangan, đá granit...; có gần 366.000 ha rừng (trong đó có trên 50% diện tích rừng nguyên sinh) và trên 97.000 ha đất canh tác thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Khu liên hợp luyện thép và Cảng nước sâu Sơn Dương, Trung tâm nhiệt điện Vũng áng, dự án thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Khu kinh tế Vũng áng, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo...

TP Hà Tĩnh - địa điểm khai mạc và bế mạc Hội nghị CG 2011. Ảnh: Thanh Hoài

Những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt gần 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách năm 2010 tăng gần 3 lần so với năm 2005; văn hóa - xã hội có bước chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,62% năm 2005 xuống còn 12,71% năm 2010.

Trên công trường khai thác Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh Quang Linh

Được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các nhà tài trợ, thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư. Cùng với các doanh nghiệp, tập đoàn của nhiều nước trên thế giới, đến nay, đã có 18 nhà tài trợ quốc tế đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp, Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD), Quỹ các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Anh, Canada, Kuwait, Na Uy, Bỉ, Hungary, Đan Mạch, Australia, Hà Lan, Thụy Sỹ và gần 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tiến độ thi công một số hạng mục các dự án

của Tập đoàn Formosa tại KKT Vũng Áng.

Các chương trình, dự án ODA trên địa bàn thời gian qua được đầu tư đúng định hướng của Chính phủ, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển KT -XH của tỉnh. Công tác quản lý, giám sát hoạt động các dự án được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đi vào nền nếp, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí và có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng và người dân hưởng lợi. Nhờ vậy, hầu hết các dự án đều đảm bảo tiến độ theo cam kết với nhà tài trợ, phát huy tốt hiệu quả, góp phần tích cực trong việc phát triển KT -XH, cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như các dự án: Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP); Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh; Xóa đói giảm nghèo đa mục tiêu huyện Vũ Quang và vùng phụ cận; Cải thiện môi trường đô thị miền Trung và một số dự án khác do WB, ADB, IFAD, OPEC cùng các tổ chức phi chính phủ tài trợ đã góp phần đắc lực phát triển hạ tầng thiết yếu, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho nhân dân vùng hưởng lợi.

Cùng với triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, Hà Tĩnh phấn đấu phát triển kinh tế nhanh, bền vững với mục tiêu đến năm 2015 trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; tiến tới xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực miền Trung và cả nước. Với sự hợp tác và giúp đỡ của Tập đoàn Monitor (Hoa Kỳ) - một trong những tập đoàn tư vấn có uy tín trên quốc tế, Hà Tĩnh đang xây dựng Quy hoạch chiến lược phát triển KT -XH đến năm 2050 nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, sớm đưa những mục tiêu trên trở thành hiện thực.

Tàu HOKFTSU FUTURE vào "ăn" hàng tại cầu số 2 - cảng Vũng Áng. Ảnh: Ngô Anh Tuấn

Mặc dù có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây, song do điểm xuất phát thấp, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, đồng thời chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu... nên Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách hàng năm đạt thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 so với bình quân chung của cả nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng KT -XH còn nhiều bất cập. Những năm gần đây, mức độ ảnh hưởng của thiên tai như bão lụt, hạn hán, xói lở bờ sông, xâm thực mặn… ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt, 2 đợt lũ lịch sử vào tháng 10-2010 đã làm 12/12 huyện, thành phố, thị xã với 183/262 xã, phường bị ngập, kết cấu hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đời sống và sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bất ổn về an sinh xã hội.

Công ty CAVICO tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ

thực hiện dự án thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang

Để sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, hiện nay Hà Tĩnh đang khẩn trương triển khai xây dựng một số dự án cấp thiết trong các lĩnh vực, như: phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho trên 70% nhân dân; triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sống chung với lũ nhằm khắc phục tình trạng yếu kém và sự xuống cấp của các công trình do thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường; hạ tầng đô thị và các khu kinh tế, khu công nghiệp; hạ tầng phúc lợi xã hội (bệnh viện, trường học, trạm y tế); các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực, thể chế…

Thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhưng trong điều kiện của một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai nên việc huy động nguồn lực, nội lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bởi vậy, Hà Tĩnh đang rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên. Tỉnh Hà Tĩnh cam kết tạo môi trường thuận lợi, tin cậy cho các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, thực hiện các ý tưởng, mục tiêu dự án trên địa bàn, đồng thời huy động tốt nội lực, nguồn đối ứng, thực hiện các dự án đảm bảo công khai, minh bạch, đúng tiến độ và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực miền Trung và cả nước

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast