"Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”!

(Baohatinh.vn) - Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931 ở Nhà thương Chợ Quán, đồng chí Trần Phú căn dặn: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Dẫu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng vẫn mãi mãi rạng ngời cùng lịch sử dân tộc.

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2014

Đồng chí Trần Phú
Đồng chí Trần Phú

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Nguyên quán ông ở làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Cha ông, cụ Trần Văn Phổ, từng đỗ Giải nguyên (thời gian làm Giáo thụ Tuy An đã sinh ông tại đây). Mẹ là bà Hoàng Thị Cát, người làng Tùng Ảnh. Từ thuở thiếu thời, Trần Phú là người thông minh lại cần cù học hỏi. Từ trong nhà trường, Trần Phú tỏ ra là người sớm có chí hướng vì nghĩa nước, tình nhà.

Năm 1908, khi đang là Tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), do không chịu được sự đè nén, áp bức, nhục mạ của Công sứ Pháp và bất lực trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than, ông Trần Văn Phổ đã tuẫn tiết tại công đường. Do nghèo khổ và buồn phiền, 2 năm sau đó, mẹ ông cũng qua đời. Trần Phú cùng với người em út lưu lạc từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị, về sau, được một người chị gái nuôi ăn học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba rồi Trường Quốc học Huế. Tại Trường Quốc học Huế, anh được theo học cụ Võ Liêm Sơn - một nhà giáo yêu nước. Năm 1922 (18 tuổi), Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung (học vị cao nhất theo hệ Pháp đào tạo tại Việt Nam lúc bấy giờ), rồi về dạy học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).

Thời gian dạy học ở Vinh, vốn có ảnh hưởng tinh thần dân tộc của cha, dẫu tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh đã có những tiếp xúc đầu tiên với chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, đồng chí cùng một số bạn bè trẻ tuổi như Lê Văn Huân, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt... thành lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi lại đổi ra Việt Nam Cách mạng Đảng. Năm 1926, đồng chí Trần Phú đại diện Việt Nam Cách mạng Đảng sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất với Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tại đây, ông được gặp Nguyễn Ái Quốc, được đổi tên thành Lý Quý, dự lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tháng 12/1926, đồng chí Trần Phú về nước, tham gia cải tổ Việt Nam Cách mạng Đảng theo đường lối và tổ chức của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các ban, ngành trung ương, tỉnh Hà Tĩnh dâng hoa, thắp hương tại Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các ban, ngành trung ương, tỉnh Hà Tĩnh dâng hoa, thắp hương tại Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú...

Do bị lộ, Trần Phú được tổ chức bố trí sang lại Quảng Châu để hoạt động với bí danh Lý Viết Hoa. Năm 1927, ông được Nguyễn Ái Quốc cử sang học tại Trường Đại học Đông Phương (Liên Xô) với bí danh Likvey. Tại đây, chi bộ những người cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được chỉ định làm Bí thư. Mặc dù sức khỏe không tốt nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, Trần Phú vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu, tự tạo cho mình cái vốn ban đầu để phục vụ sự nghiệp cao cả của Tổ quốc và nhân dân. Một năm sau đó, ông là đại biểu dự Đại hội VI Quốc tế cộng sản. Khi đó, tại quê nhà, ngày 11/10/1929, ông bị tòa án Nam triều ở Nghệ An xử án vắng mặt cùng với một số đồng chí của mình.

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về nước và được bầu bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời Bắc Kỳ và được cử làm làm Bí thư và được giao soạn thảo Luận cương Chính trị về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương. Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trần Phú đi vào những nơi công nhân, nông dân lao động, làm ăn, sinh sống như: Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và đời sống của họ. Thực tiễn đã nâng cao chất lượng, thấm đẫm cái hồn của lý luận. Ðó cũng là bước đi mang tính khoa học của một người có chí lớn. Một thanh niên mới 26 tuổi đời đã đảm đương một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và mới mẻ.

Mặc dù thời gian hoạt động cách mạng, học tập lý luận không dài, song, Trần Phú đã cơ bản nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp sáng tạo với thực tiễn cách mạng Việt Nam và Ðông Dương để đưa vào Luận cương Chính trị. Tháng 10/1930, hội nghị lần thứ nhất BCH T.Ư Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản Luận cương Chính trị và bầu BCH T.Ư chính thức, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Luận cương chính trị của Ðảng đã khẳng định hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng XHCN.

Khu di tích Trần Phú tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ)

Khu di tích Trần Phú tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ)

Nội dung của Luận cương chính trị đã thực sự đi vào quần chúng. Đồng thời, công tác phát triển Ðảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng được đẩy mạnh ở cả ba nước: Việt Nam, Lào và Campuchia. Dưới sự lãnh đạo cương quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng. Chỉ trong thời gian ngắn (tháng 4/1930 - 4/1931), Đảng ta đã phát triển 2.400 đảng viên, 1.500 người vào thanh niên cộng sản đoàn, 6.000 người vào công hội đỏ và 64.000 người vào nông hội; lãnh đạo hơn 100 cuộc bãi công của công nhân và 400 cuộc biểu tình của nông dân.

Tháng 3/1931, với bí danh anh Năm, đồng chí Trần Phú chủ trì hội nghị Trung ương lần thứ 2 tại Sài Gòn bàn việc chấn chỉnh Đảng sau đợt khủng bố của địch. Hội nghị đã vạch ra nghị quyết về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, nghị quyết về tổ chức của Đảng, nghị quyết về cổ động tuyên truyền. Hội nghị này đã quyết định thành lập tổ chức Cộng sản thanh niên đoàn nhằm tập hợp một bộ phận quan trọng của giai cấp vô sản. Đây được xem là tiền đề để hình thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sau này.

Tuy nhiên, ngay sau hội nghị, ngày 18/4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champane, Sài Gòn. Chính quyền thực dân tìm cách dụ dỗ, tra tấn một cách tàn bạo để khai thác thông tin, nhưng với chí khí kiên cường, đồng chí không bị khuất phục, dù bị đày ải nhiều lần. Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú qua đời tại Nhà thương Chợ Quán ở tuổi 27. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Trần Phú căn dặn: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Ngày 12/1/1999, hài cốt của đồng chí được di dời về an táng tại quê hương Đức Thọ. Mộ đồng chí Trần Phú được đặt trên núi Quần Hội, nơi có thể nhìn ra bến Tam Soa dạt dào sóng biếc. Phía trước mộ là hàng chữ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Bến Tam Soa - nơi gắn liền với vùng địa linh sinh ra nhiều nhân kiệt
Bến Tam Soa - nơi gắn liền với vùng địa linh sinh ra nhiều nhân kiệt

Để thỏa nguyện anh linh vị lãnh tụ kính yêu, Tùng Ảnh, Đức Thọ quê hương cố Tổng Bí thư đang ra sức xây dựng, phát triển kinh tế. Ðức Thọ hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày và đang vững bước trên con đường đổi mới. Ði trên quốc lộ 8A nối liền một dải sang tận Hương Sơn, phóng tầm mắt ra xa, trải rộng màu xanh ngát của lúa xanh đương thì con gái. Ðôi bờ La giang, hai tuyến đê sừng sững, ngày một vững chãi hơn và được bê tông hóa làm đường giao thông nông thôn, vừa chống chọi với những cơn lũ dữ, bảo đảm hệ thống tưới tiêu cho đồng ruộng phì nhiêu.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Tùng Ảnh nói riêng, Đức Thọ nói chung luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong phát triển KT-XH, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Người dân Đức Thọ luôn vinh dự, tự hào là người con của quê hương đồng chí Trần Phú và nỗ lực đi lên để xứng đáng với lời dặn dò của Người trong cuộc chiến đấu chống nghèo nàn, lạc hậu. Tùng Ảnh là xã đầu tiên của Hà Tĩnh về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Làng ngỡ như phố, đó là cảm nhận của những ai được về thăm Tùng Ảnh hôm nay. Trong hương xuân của muôn nhà, muôn ngõ, làng Tùng Ảnh như đẹp hơn khi được tô thêm màu cờ Tổ quốc, cờ đỏ búa liềm. Tự hào về quê hương đổi mới, ai ai cũng không giấu được niềm vui, sẵn sàng chung sức, chung lòng, góp công, góp của để làm nên những con đường khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát. Sự đổi thay kỳ diệu đó đã mang lại cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Tùng Ảnh diện mạo mới: ấm no, hạnh phúc.

Tùng Ảnh hôm nay không còn tiếng thoi đưa dệt lụa, nhưng còn đó truyền thống hiếu học, đức cần cù, chịu khó làm ăn trong mỗi gia đình, còn đó dòng máu nghĩa khí của những người con yêu nước. Sông La càng dào dạt, tình làng nghĩa xóm càng mặn nồng... Diện mạo Tùng Ảnh, một xã nông thôn mới đang hiện hữu với những nét khỏe khoắn, tươi rói, hiện đại. Đường mới mở ra rộn rã tiếng xe, tiếng máy với những công trình mới. Chợ mới rậm rịch kẻ mua người bán. Mây trắng trên núi Quần Hội giăng giăng, những áng mây chiều đang làm mát lòng đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú khi quê hương từng ngày đổi thay...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast