Kiểm soát chất lượng, giảm thiểu tác hại của rượu sản xuất thủ công

(Baohatinh.vn) - Tại phiên thảo luận tổ chiều 12/11 của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần kiểm soát chất lượng, VSATTP và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe.

Kiểm soát chất lượng, giảm thiểu tác hại của rượu sản xuất thủ công

Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể nhằm phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đến sức khỏe, đời sống tinh thần, vật chất của người sử dụng. Quy định này cho thấy, dự thảo luật không đồng nhất với việc cấm người dân sử dụng rượu, bia.

Đại biểu cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ của các cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia nhằm hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia với mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, đối với quy định không được bán rượu bia trên mạng internet tại khoản 3 Điều 20 dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng quy định này là không khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, đại biểu phân tích việc kinh doanh trên mạng internet hiện nay là vấn đề tất yếu, còn đối với việc kinh doanh rượu bia trên mạng internet là không phù hợp. Vì vậy cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hạn chế tính có sẵn dễ tiếp cận đối với rượu, bia.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị chú trọng các biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công (bao gồm rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh); quy định các biện pháp hướng dẫn người dân sản xuất rượu thủ công đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ các quy định của pháp luật. Sản xuất rượu thủ công cần phải làm thủ tục cấp phép, đăng ký với UBND cấp xã. Đồng thời quy định rõ việc đăng kí sản xuất rượu thủ công, lộ trình quản lí kết hợp cơ chế xử phạt trường hợp làm trái với các quy định nêu trên. Trên cở sở đó nhằm kiểm soát tốt chất lượng, điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe.

Kiểm soát chất lượng, giảm thiểu tác hại của rượu sản xuất thủ công

Về quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của rượu, bia, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền trong chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động, kiểm soát, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đại biểu, dự thảo cần xác định các trường hợp không được uống rượu, bia. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được uống rượu bia trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc, và uống rượu, bia tại một số địa điểm như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục... Nếu không quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng tới chất lượng lao động, hiệu quả làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu cũng quan tâm tới trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia trong việc không được sử dụng người lao động là người dưới 18 tuổi tham gia trực tiếp vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia. Bởi đây là những đối tượng chưa nhận thức đầy đủ những nguy hiểm, tác hại của rượu, bia mang lại. Quy định này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của lứa tuổi thiếu niên, nhằm phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận với rượu, bia sớm, giảm thiểu nguy cơ gây ra bệnh tật và hệ lụy xã hội do rượu, bia gây ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast