Lời hiệu triệu của non sông

Trước sự khiêu khich trắng trợn của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với tất cả tình yêu nước nồng nàn và quyết tâm phi thường bảo vệ nền độc lập vừa giành được sau 474 ngày, lời kêu gọi của Bác đã thấm đẫm tâm hồn hơn 30 triệu người dân Việt Nam, đánh thức lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần xả thân cứu nước trong giờ phút nguy nan..

Lời kêu gọi chỉ vẻn vẹn chưa đầy một trang giấy nhưng chất chứa trong đó khát khao hoà bình mãnh liệt, mệnh lệnh non sông với mỗi người dân, những người lính, lực lượng tự vệ dân quân trong buổi đầu trứng nước, quyết tâm không gì lay chuyển nổi của cả một dân tộc từng chịu nô lệ suốt 80 năm và vừa đứng lên giành lại chính quyền từ tay thực dân phong kiến hơn một năm trước.

Mở đầu lời hiệu triệu ấy, Bác đi thẳng vào thực tế rõ như ban ngày và lý do vì sao chúng ta phải nhún nhường kẻ thủ đồng thời cũng vạch mặt dã tâm cướp nước của ngoại bang:

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lần tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!".

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng tự vệ thủ đô ra sức bảo vệ từng nóc nhà, từng ngõ phố. Ảnh tư liệu
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng tự vệ thủ đô ra sức bảo vệ từng nóc nhà, từng ngõ phố. Ảnh tư liệu

Câu văn ngắn mà chất chứa đầy uất hận như nỗi niềm đau đớn của Bác khó nói thành lời. Sau khi nêu lên tình thế “ngàn cân treo sợi tóc" ấy, Bác khẳng đinh chân lý ngàn đời của dân tộc ta và quyết tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ cũng như của toàn dân ta. Lời khảng định chắc nịch và đầy quyết tâm với sự lựa chọn duy nhất đúng: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".

Nếu phải lựa chọn giữa mất mát hy sinh với độc lập tự do thì không riêng gì Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới, mọi người dân yêu nước, có lương tri đều phải chọn độc lập là trên hết. Đó cũng là sự lựa chọn của cha ông, của lịch sử và của con cháu mai sau. Chình vì vậy mà sau câu ấy, Bác kêu gọi, thúc giục:

"Hỡi đồng bào, hãy đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phải, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc... Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Dù chỉ một đoạn văn ngắn, với các điệp từ “bất kỳ”, “ai”, Bác đã chỉ rất rõ 2 điều, đó là lực lượng kháng chiến và vũ khí kháng chiến. Về lực lượng, Bác kêu gọi và đồng thời yêu cầu tất cả mọi người dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, đảng phái đều phải đứng lên đánh Pháp. Đây là một cuộc chiến tranh toàn dân. Sách lược này rất phù hợp với một dân tộc có truyền thống yêu nước và rất phù hợp với tình hình cụ thể lúc đó của một nước nhỏ và yếu. Về vũ khí kháng chiến, Bác cũng chỉ rõ, đó là những vũ khí có được và tạo ra được, thậm chí là công cụ lao động và vật dụng hàng ngày, Khi quân đội ta chưa đủ mạnh thì điều đó là rất cần thiết. Và thực tế là từ ngày 23-9, đồng bào Nam bộ với giáo mác và gậy tầm vông đã đứng lến kháng chiến khắp các làng quê khiến kẻ thù khiếp sợ. Khi vũ khí và phương tiện thô sơ thì quyết tâm càng phải lớn. Chính vì vậy mà một lần nữa Bác lại yêu cầu: "Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Tuy nhiên, lực lượng nòng cốt đi đầu vẫn là quân đội và lực lượng tự vệ, dân quân của các cơ quan đơn vị, xí nghiệp và các làng xã. Bác đã dành riêng cho họ một dòng tuy ngắn ngủi mà tha thiết, khẩn cấp:

"Hỡi anh em bình sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước".

Đoạn cuối của Lời kêu gọi, Bác khẳng định thắng lợi tất yếu của dân tộc ta khi toàn dân đồng sức đồng lòng:

"Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!".

Bác là niềm tin tất thắng của toàn thể dân tộc ta. Lời thề độc lập hơn một năm trước tại Quảng trưởng Ba Đình của hàng triệu người dân một lần nữa đã được thắp sáng, được đốt cháy thành ngọn lửa của lòng yêu nước, chí căm thù giặc và quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển của một dân tộc đau thương mà anh dũng. Nghe theo lời hịch của vị Cha già đã trải bao sóng gió nhọc nhằn tìm đường cứu nước và giành độc lập cho dân tộc, ngay sau đó, nhiều lực lượng cảm tử quân, thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, người già, đồng bào các dân tộc, các chức sắc tôn giáo… đã sẵn sàng chịu gian khổ hy sinh, đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ để rồi năm 1954 “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

64 năm đã đi qua nhưng lời hịch non sông của vị Cha già kính yêu vẫn như còn vang vọng thế hệ hôm nay, nhắc nhở chúng ta lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast