Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 tăng thẩm quyền cho tòa án

(Baohatinh.vn) - Ngày 29/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014.

Luật Đất đai sửa đổi lần này đã sửa đổi và bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với sự phát triển KT-XH trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Đất đai năm 2003.

Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung lần này là luật đã thêm thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai cho tòa án theo hướng tòa án nhân dân (TAND) có thẩm quyền giải quyết cả các tranh chấp đất đai mà các bên đương sự không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Giao đất, giao rừng đúng tiến độ, đúng đối tượng sẽ góp phần đảm bảo sinh kế và quyền lợi bền vững cho người dân ven rừng. Trong ảnh: Người dân xã Phú Gia, Hương Khê thu hoạch keo. Ảnh: Tiến Dũng
Giao đất, giao rừng đúng tiến độ, đúng đối tượng sẽ góp phần đảm bảo sinh kế và quyền lợi bền vững cho người dân ven rừng. Trong ảnh: Người dân xã Phú Gia, Hương Khê thu hoạch keo. Ảnh: Tiến Dũng

Trước đây, theo quy định tại Điều 136, Luật Đất đai năm 2003 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:

“1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết;

2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của luật này được giải quyết như sau:

a) Trường hợp chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;

b) Trường hợp chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng”.

Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai thì quy định trên đây đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập như UBND là cơ quan hành chính nhà nước nhưng lại phải đồng thời làm nhiệm vụ của cơ quan xét xử (theo thống kê của các cơ quan nhà nước thì hàng năm có khoảng 70% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đến UBND là các vụ việc liên quan đến đất đai). Bên cạnh đó, việc trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho UBND vừa là cơ quan quản lý, vừa thực hiện giải quyết tranh chấp sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết, đặc biệt trong trường hợp tranh chấp có liên quan từ các quyết định hành chính của cơ quan hành chính. Hoặc việc giải quyết tại UBND không được tiến hành theo một quy trình tố tụng và đánh giá chứng cứ một cách toàn diện như việc giải quyết tại tòa án, dẫn đến kết quả giải quyết thiếu tính thuyết phục. Nhiều trường hợp, UBND giải quyết nhưng các bên không đồng ý, sau đó lại khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Hiệu lực thi hành của quyết định giải quyết được UBND ban hành không cao bằng hiệu lực thi hành của bản án, quyết định của tòa án v.v...

Khắc phục những tồn tại nêu trên, Luật Đất đai năm 2013 quy định thêm thẩm quyền cho tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai mà các đương sự không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo đó, tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 điều này;

b) Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Với quy định tăng thêm thẩm quyền cho tòa án trong việc giải quyết cả các tranh chấp đất đai mà các đương sự không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất như trên sẽ góp phần giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trên đây, giải tỏa được các tranh chấp tồn đọng trong lĩnh vực đất đai từ trước đến nay và chấm dứt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong thời gian sớm nhất.

Luật sư NGUYỄN KHẮC TUẤN

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast