Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nhiều bất cập

(Baohatinh.vn) - Tại buổi làm việc sáng nay (8/8) với Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến nay, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung kiến nghị những bất cập trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

luat to chuc chinh quyen dia phuong con nhieu bat cap

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: “Trong tổ chức hoạt động, nhiều ban, tổ HĐND và các cá nhân rất nỗ lực, có nhiều đóng góp nhưng trớ trêu là HĐND tỉnh muốn khen cũng không được phép”.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu. Tiếp, làm việc với đoàn về Hà Tĩnh có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Võ Hồng Hải và các ban HĐND tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng dự.

Tại buổi làm việc, HĐND tỉnh cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có rất nhiều điểm mới, tuy nhiên, một số nội dung chưa thật cụ thể như: thời gian tiến hành họp thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp; thời gian tổ chức tiếp xúc cử tri; về thư ký của kỳ họp…

Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định việc uỷ quyền của HĐND cho Thường trực HĐND giữa 2 kỳ họp để thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND. Thực tế, trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND có nhiều vấn đề phát sinh, cần xin ý kiến của HĐND để giải quyết kịp thời, cần được bổ sung trong Luật. Tuy nhiên, HĐND chỉ họp 2 kỳ một năm nên việc giải quyết không kịp thời.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa HĐND tỉnh với HĐND cấp huyện, xã; một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thuộc trách nhiệm của UBND chưa được thực hiện.

luat to chuc chinh quyen dia phuong con nhieu bat cap

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Ngọc Bảo: Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội đã nhận được những phản ánh và đang tiến hành rà soát. Ngoài ra, thực tế hiện nay là, khi Luật đã ban hành nhưng các nghị định, văn bản hướng dẫn chưa đảm bảo.

Hoạt động của HĐND có nhiều khâu nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa được quy định chi tiết. Thông qua đoàn giám sát, HĐND kiến nghị cần ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với một số nội dung còn gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, tập trung ở các điều 18, điều 59, điều 80, điều 95, điều 104…

HĐND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương thuộc trách nhiệm của Chính phủ; sớm có hướng dẫn chi tiết về tổ chức, hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND cấp huyện, xã.

luat to chuc chinh quyen dia phuong con nhieu bat cap

HĐND tỉnh cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Thi đua – Khen thưởng theo hướng quy định, trình tự thủ tục, thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh được quyết định hình thức khen thưởng đối với các hoạt động thuộc chức trách, nhiệm vụ của HĐND tỉnh.

Việc ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền; các nghị quyết đảm bảo chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, HĐND tỉnh cho rằng, đối với Nghị quyết là văn bản QPPL đã được hướng dẫn bởi Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, việc xác định nghị quyết nào của HĐND là văn bản quy pháp pháp luật còn chưa cụ thể, thiếu nhất quán.

Việc hành hành văn bản QPPL được quy định về trình tự, thủ tục qua nhiều bước, thực tiễn khó áp dụng và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách.

luat to chuc chinh quyen dia phuong con nhieu bat cap

Ông Trần Xuân Long – Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Tài chính: Những kiến nghị về lương, phụ cấp liên quan đến các chức danh của HĐND, đề nghị HĐND tỉnh thống kê để đoàn tập hợp kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị các tài liệu phục vụ buổi làm việc rất chu đáo; hoạt động của HĐND đã bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, chất lượng hoạt động có nhiều đổi mới; các nghị quyết ban hành không có biểu hiện trái quy định của Luật, đảm bảo hợp pháp, hợp hiến. Đoàn đánh giá cao hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh.

luat to chuc chinh quyen dia phuong con nhieu bat cap

Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi những vấn đề HĐND tỉnh kiến nghị, đoàn giám sát cho rằng, các kiến nghị đều có cơ sở, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có điều chỉnh, bổ sung đảm bảo quy trình, phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn và quá trình thực thi.

HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 55 đại biểu, đến nay đã tổ chức 3 kỳ họp, trong đó có 1 kỳ họp bất thường; ban hành 44 nghị quyết, gồm 12 nghị quyết cá biệt, 32 nghị quyết chuyên đề.

Bình quân mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh giành 1,5- 2 ngày để thảo luận, chất vấn; lựa chọn 3 - 4 nhóm nội dung, lĩnh vực để thực hiện chất vấn.

Về hoạt động giám sát: HĐND tỉnh đã giám sát tổ chức 1 cuộc giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; Thường trực HĐND tổ chức 1 cuộc giám sát chuyên đề về công tác quản lý thuế trên địa bàn; các ban HĐND tỉnh thực hiện 5 cuộc giám sát chuyên đề về giáo dục – đào tạo, việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, xử lý các vụ việc tồn đọn…

Định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, Thường trực, các ban HĐND tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast