Ngày ấy ở vành đai Bình Đức

(Baohatinh.vn) - Không chỉ có bộ đội địa phương và du kích đánh địch, ở vành đai, từ các cụ già đến em bé, từ người tu hành đến chị bán hàng, tất cả đều muốn góp sức mình vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc...

Bốn mươi năm và bốn ngày

Tôi trở lại chiến trường miền Tây vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bốn ngày trên chiến trường sông nước này, nơi nhiều đồng đội của tôi đã hóa thành bất tử, bản thân tôi cũng đã góp những giọt máu đào để tô thắm thêm ngọn cờ truyền thống 3 lần anh hùng của đơn vị. Tuổi 17, chưa học hết THPT, tôi đã tham gia quân đội. Sau những tháng ngày “thao trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu”, chúng tôi vượt Trường Sơn hùng vĩ, qua đất nước của nhân dân Triệu Voi anh hùng, qua những cánh rừng cao su bạt ngàn của đất nước Chùa Tháp thân yêu để về với quê hương 9 rồng của những người má đôn hậu và các cô du kích duyên dáng trong bộ quần áo bà ba, chiếc khăn rằn quàng cổ. Miền quê sông nước đẹp vô cùng! Vậy mà, kẻ thù đã ra sức tàn phá.

Ngày ấy ở vành đai Bình Đức ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thuận và Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Quang Công.

Từ đất nước Ăng Ko, chúng tôi qua các “cánh đồng chó ngáp”, vượt kênh Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp, kênh Búi, kênh Bình… (phía Bắc quốc lộ 4, nay là phía Bắc quốc lộ 1A tỉnh Tiền Giang) vô cùng vất vả. Vậy mà, từ Bắc lộ 4 xuống Nam lộ lại càng ác liệt hơn. Dọc hai bên là vành đai trắng, bình quân mỗi ngày đêm, ngoài các loại xe quân sự tuần tiễu còn có gần 1.000 xe dân sự xuôi ngược. Từ các chốt quan sát, thỉnh thoảng, bắt gặp các học sinh mặc đồng phục tới trường. Tôi bồn chồn nhớ cha mẹ, bạn bè, thầy cô, nhớ cô bạn láng giềng tóc cuốn đuôi sam…, mong đất nước sớm hòa bình để trở về tiếp tục đèn sách.

Trong dịp trở lại chiến trường này, tôi được anh Đậu Hương - bạn đồng nghiệp và cũng là một cựu chiến binh dẫn về lại vành đai Bình Đức - vùng quê anh hùng thời đánh Mỹ.

Sôi nổi phong trào diệt Mỹ

Sau khi đặt chân đến căn cứ Đồng Tâm, đế quốc Mỹ tiến hành tuyên truyền, tung tin hù dọa nhân dân: Mỹ có máy bay B52 khổng lồ, chở được hàng chục tấn bom, có sức mạnh hủy diệt, được thế giới tôn sùng là “thần chiến tranh”. Ngoài B52, Mỹ còn có vô vàn phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng bằng tia điện tử như: máy ngửi hơi người, máy nghe tiếng động từ xa, bom laser, bom từ trường; lại có bọn lính Pắc-Chung-Hi thích mổ bụng, ăn gan người. Sau khi hù dọa chán chê, chúng tổ chức lừa mị dân bằng cách phân phát gạo, quần áo cho bà con; đường sữa, bánh kẹo cho trẻ em và sửa chữa lại một số phòng học.

Nhưng chỉ vài tháng sau, quân Mỹ bung ra lùng sục, cướp bóc, tàn phá, bắt bớ, đánh đập, bắn giết và hãm hiếp phụ nữ một cách dã man. Lính Mỹ sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai, cho dù đó là người già hay con trẻ, nếu chúng nghi là Việt cộng. Tội ác của chúng đã khiến cho lòng căm thù của nhân dân sục sôi. Vì vậy, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Tiền Giang, vành đai Bình Đức đã dấy lên phong trào diệt Mỹ sôi nổi.

Ở Song Thuận, em Quang mới 15 tuổi, lân la chơi với lính Mỹ, lần đầu lấy được 1 khẩu súng ru-lô, 1 máy ảnh; lần thứ hai lấy được 1 khẩu M16 và sau đó, dùng lựu đạn ném vào lô cốt, diệt được 2 tên Mỹ, thu 2 khẩu súng AR15. Bà Lê Thị Ngọ trước đây chỉ gác cho du kích đặt mìn, gài trái, nhưng sau đó, cũng đi xin lựu đạn để gài. Trận đầu diệt được 3 tên Mỹ, trận thứ hai diệt được 1 tên, trở thành Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 3. Bà Ngô Thị Bảy thấy bọn Mỹ đi về hướng nhà mình, đã gài một quả lựu đạn bên cạnh sàn nước. Khi bọn Mỹ vào nhà, bà ra dấu là phía đó có lựu đạn, 3 tên đi đầu không tin, liền tiến đến. Bị vướng lựu đạn, 1 tên chết, 2 tên bị thương. Vậy mà, bọn còn lại vẫn ra dấu cảm ơn bà.

Thầy Võ Văn Tri - trụ trì chùa Thiên Đức đã biến ngôi chùa thành nơi trú ẩn, hội họp và là trận địa diệt Mỹ của cán bộ, du kích xã Bình Đức. Ngôi chùa nằm sát hàng rào căn cứ Đồng Tâm được địch gọi là “chùa AK” vì thầy Võ Văn Tri vừa là Dũng sỹ diệt Mỹ, vừa là Dũng sỹ diệt ngụy.

Phong trào giành danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ lan rộng, sôi nổi, xã này thi đua với xã kia, người này thi đua với người khác. Đại hội Dũng sỹ lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 6/1967 đã công nhận, tuyên dương 34 dũng sỹ và chỉ 2 tháng sau, Đại hội Dũng sỹ lần thứ hai đã có thêm 43 dũng sỹ, trong đó, có 33 Dũng sỹ diệt Mỹ, 1 Dũng sỹ diệt xe cơ giới, 1 Dũng sỹ diệt máy bay và 6 Dũng sỹ Quyết thắng. Tiêu biểu có đồng chí Đực - Xã đội trưởng xã Bình Đức diệt được 63 tên; đồng chí Nguyễn Thị Ánh Thu 7 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, 1 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt xe tăng. Ông Bảy Tẩu (xã Long Hưng) diệt 73 tên, bà Nguyễn Thị Nương (xã Song Thuận) diệt 63 tên; cả 2 người đều 3 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ và 3 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt ngụy cấp ưu tú. Bà Nguyễn Thị Thuận (Tư Thuận) - Xã đội phó xã Thạnh Phú ngoài 2 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ và Dũng sỹ diệt ngụy còn được tuyên dương vì mưu trí, dũng cảm bắt sống 1 tên lính Mỹ.

Chuyện bắt sống lính Mỹ ở vành đai Bình Đức

Cùng đi với chúng tôi về xã Bình Đức tìm gặp bà Nguyễn Thị Thuận còn có Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Quang Công. Đại tá Lê Quang Công cho biết: “Vào thời điểm đó (cuối năm 1967), tôi đang có mặt tại vành đai Bình Đức, trên cương vị Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 514 về phối hợp tác chiến nên biết rất rõ sự việc xảy ra. Bởi lúc đó, diệt Mỹ để trở thành dũng sỹ thì không khó, nhưng bắt sống được giặc Mỹ thì quả là không đơn giản. Vả lại, còn có tác dụng là sau khi tuyên truyền, giáo dục rồi thả sẽ làm cho binh lính Mỹ hiểu được chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta. Đồng thời, qua đó, làm phân hóa nội bộ và giảm sút ý chí chiến đấu của binh lính Mỹ”.

Vợ chồng bà Tư Thuận ở nhà người con gái tại ấp Lộ Ngang, còn căn nhà lá, vách ván của vợ chồng bà đã bị xuống cấp, dột nát chưa có điều kiện sửa chữa. Chỉ vào căn nhà lá, Đại tá Lê Quang Công cho biết: “Vuông đất đó là của ông Dầy, bà Lục (cha mẹ bà Thuận), hồi về Bình Đức bám trụ, tôi đã được ông bà nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở. Ông bà có 5 người con tham gia cách mạng, 5 đảng viên, trong đó, có 2 liệt sỹ. Hiện bà đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà Tư Thuận không còn khỏe, lúc nhớ, lúc quên... Đại tá Lê Quang Công phải nhắc, bà mới thuật lại được sự việc: “Lúc quân Mỹ đặt chân đến căn cứ Đồng Tâm, tôi đang làm Chủ tịch Mặt trận kiêm Xã đội phó và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú. Một bữa, Đoàn Hữu Kiệt là học sinh (sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) đi bán Coca-Cola về, báo cho tôi biết: “Có mấy thằng “mẽo” nhờ tìm gái”. Vậy là, kế hoạch tiêu diệt mấy thằng Mỹ này được vạch ra, trận địa phục kích được tổ chức tại vuông vườn bà Nhì Tư (ấp Xóm Chùa) và tôi phải về nhà xin má tiền may một bộ đồ bà ba mới để giả làm gái. Theo kế hoạch hiệp đồng, hôm đó, Kiệt sẽ dẫn mấy thằng lính Mỹ ra, nhưng không hiểu vì sao chỉ có một tên.

Tôi liền hội ý nhanh với đồng chí Tư Tôn - Xã đội trưởng và đồng chí Tám Danh - Bí thư xã là nếu chỉ có một tên thì ta sẽ bắt sống. Thống nhất kế hoạch xong, tôi ra ngoài bìa vuông vườn lả lơi đón thằng Mỹ. Trước lúc đi, Kiệt bảo hắn cởi trần, không được mang theo súng và ra dấu là gái sợ súng. Thằng Mỹ hỏi có “vixi no” (Có Việt cộng không?), Kiệt trả lời: “no vixi” (Không có Việt cộng) hắn mới chịu đi. Bà Thuận kể, hồi đó, tôi mới 22 tuổi, thằng Mỹ cao to, cởi trần, lông lá lồm xồm, tỏ thái độ sàm sỡ, làm tôi thẹn chín cả mặt nhưng vì nhiệm vụ, tôi quyết chịu đựng để bắt sống nó. Khi vào trong vuông vườn, lực lượng ta bố trí sẵn ập ra, trước những họng súng đen ngòm, tên Mỹ đành thúc thủ chịu trói... Chuyện đã xẩy ra gần 50 năm, nếu có gì thiếu sót, mong các nhà báo bỏ qua” - bà Thuận nói trong niềm vui của những người chiến thắng!

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast