Nghị trường Quốc hội: Trăn trở, hiến kế và chia sẻ trách nhiệm

Các ý kiến đều thể hiện sự trăn trở, sẻ chia trách nhiệm trước những khó khăn, thách thức của đất nước.

Tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã dành hai ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm nay và kế hoạch cho năm sau, về tái cơ cấu nền kinh tế. Các ý kiến đều thể hiện sự trăn trở, sẻ chia trách nhiệm trước những khó khăn, thách thức của đất nước.

Nóng “túi tiền quốc gia” và người lao động

Hầu hết ý kiến đại biểu đồng tình, đánh giá cao báo cáo của Chính phủ. Một số đại biểu nêu dẫn chứng và khẳng định “còn nhiều điểm sáng” chưa được đưa vào báo cáo. Với những chỉ tiêu đạt được, hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu GDP tiếp tục tăng cao trở lại trong những năm tiếp theo, trước mắt năm 2015 ở mức 6,2%. Tuy vậy, có ý kiến băn khoăn “một số lĩnh vực còn khó khăn rất lớn so với báo cáo”.

Toàn cảnh phòng Diên Hồng, nơi diễn ra kỳ họp

Toàn cảnh phòng Diên Hồng, nơi diễn ra kỳ họp

Nếu như những kỳ họp trước, vấn đề lãi suất cao, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… là đề tài “nóng”, thì tại kỳ họp này “túi tiền quốc gia” được thảo luận nhiều nhất. Đó là tình hình nợ công đã đến mức báo động hay vẫn ở ngưỡng an toàn? Nợ công dự kiến năm nay ở mức 60,3% so với GDP, là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây khiến đại biểu và người dân chưa thể yên tâm, cho dù Chính phủ báo cáo “vẫn trong giới hạn cho phép”.

Nhiều đại biểu kiến nghị, việc thực hiện 6 giải pháp giảm nợ công của Chính phủ phải đi cùng nguyên tắc “vàng”: không vay ODA chi thường xuyên, phải có ý kiến của các cơ quan của Quốc hội mới được chi ODA; phải từng bước thực hiện “Nhà nước chỉ làm những gì mà xã hội và người dân không làm được” nhằm huy động vốn trong dân, hạn chế chi từ ngân sách. Đồng thời chia sẻ trách nhiệm “Quốc hội phải cùng Chính phủ, các bộ ngành giải quyết bài toán nợ công chứ không phải đứng ngoài để phê phán”.

Cùng với giảm nợ công là xử lý nợ xấu, đến nay nợ xấu đã giảm nhanh ở mức 5,43% so với 17% vào năm 2012. Nhiều ý kiến đồng tình với Chính phủ kiên quyết không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu và phấn đấu giảm xuống mức 3% trong năm tới.

Vẫn đề tài về vốn, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đại biểu Lê Thị Nga, đoàn Thái Nguyên cho rằng “việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay”. Sau khi phân tích những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này, đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn ODA theo hướng công khai, minh bạch, tiến tới lộ trình không còn ODA nữa, bởi “ODA cũng là một phần của đầu tư công và nợ công”.

Bên cạnh “túi tiền quốc gia” được đưa ra bàn thảo, thì “túi tiền” của người dân cũng được đặc biệt quan tâm. Mặc dù đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vấn đề tăng lương đối với người đang làm việc và người nghỉ hưu trước năm 1993 chưa thể thực hiện do nguồn thu phải tập trung cho đầu tư phát triển và trả nợ. Nhiều đại biểu đề xuất, cần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cắt giảm, đình hoãn các dự án chưa thực sự cần thiết; lấy từ nguồn vượt thu ngân sách và tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng, thực hiện tinh giảm biên chế để tăng lương theo lộ trình cho người lao động.

“Lòng tự ái dân tộc”

Cũng liên quan đến người lao động, lần đầu tiên, nhiều đại biểu phân tích, đặt câu hỏi vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương như đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế? Đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở nào, tiêu chí nào, lĩnh vực nào có năng suất thấp như đánh giá của tổ chức này? Có đại biểu cho rằng, nói đến năng suất lao động thấp là “động chạm đến lòng tự ái dân tộc”; đề nghị Quốc hội có Nghị quyết riêng, có chỉ tiêu riêng về nội dung này.

Theo phân tích của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, có 5 nguyên nhân khiến năng suất lao động của nước ta thấp. Trong đó, Việt Nam và các quốc gia khác có xuất phát điểm rất khác nhau, do khả năng tích lũy còn hạn chế và do nền kinh tế của ta còn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp với trình độ còn thấp. Ông cũng kiến nghị Chính phủ các giải pháp để nâng cao năng suất cho người lao động Việt Nam, mà trước hết là đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, khoa học và công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh những vấn đề xã hội khác, thì chống tham nhũng vẫn là đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đã đề nghị Quốc hội bổ sung vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tội danh “tham nhũng nhà công vụ”, bởi “Từ trước tới nay chưa xử lý ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỉ đồng”.

Theo đại biểu, hiện có nhiều quan chức đã nghỉ hưu vẫn giữ nhà công vụ làm nhà riêng của mình mà cố tình không trả lại nhà nước theo quy định. Do đó “Cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế, công khai danh tính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với những người chiếm đoạt tài sản công trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ”.

Tình hình Biển Đông phức tạp, mà có đại biểu gọi là “sóng dữ”, cũng được thảo luận nhiều tại kỳ họp này. Các ý kiến đều đánh giá cao thái độ kiên trì, kiên quyết, mềm dẻo của Đảng, Nhà nước, tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, câu hỏi đầy trăn trở của đại biểu đặt ra: phải chăng khi dàn khoan Hải Dương 981 rút khỏi vùng biển nước ta, thì gói tín dụng 16 ngàn tỉ đồng cho ngư dân vay ưu đãi để đóng mới tàu vươn khơi bám biển và tăng cường sức mạnh cho lực lượng kiểm ngư vẫn đang bị “kẹt”. Nếu chính sách này không đi nhanh vào cuộc sống, thì ngư dân sẽ vẫn nghèo, chúng ta còn lâu mới trở thành quốc gia mạnh từ biển và giàu lên từ biển.

Cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để thảo luận vào tuần tới và xem xét quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp sau.

Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và Báo cáo giải trình tiếp thu, đồng thời thảo luận 9 dự án luật chủ yếu thuộc lĩnh vực tư pháp, hành chính. Đó là các dự án: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật hộ tịch, Luật căn cước công dân; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật ngân sách nhà nước và Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Tuần thứ ba của kỳ họp, cùng với việc thảo luận một số dự án luật, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; thảo luận việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật./.

Theo Ngọc Năm/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast