Người cộng sản kiên cường

(Baohatinh.vn) - Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, một vùng quê yêu lao động và giàu lòng yêu nước. Bạn bè, đồng chí, đồng bào thường gọi một cách thân thương, trìu mến là anh Mười Cúc.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ VI khai mạc ngày 15/12/1986, tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ VI khai mạc ngày 15/12/1986, tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Sinh ra, lớn lên trong thời kỳ đất nước chịu ách nô lệ bởi thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 14 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động yêu nước tại Hải Phòng, một trong những cái nôi của phong trào công nhân miền Bắc. Năm 1930, do tham gia rải truyền đơn yêu nước, đồng chí bị địch bắt, bị tòa án thực dân kết án 18 tháng tù giam và sau tăng lên án chung thân, đày ra nhà tù Côn Đảo.

Những ngày bị địch giam cầm, tra khảo là những thử thách khắc nghiệt đối với người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Văn Cúc. Với niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng, bất chấp sự tàn bạo của kẻ thù, đồng chí đã vượt qua mọi thử thách, kiên định con đường đã chọn. Năm 1936, sau khi ra tù, đồng chí đã bắt liên lạc với tổ chức của Đảng, được kết nạp vào Đảng và được Đảng phân công tham gia phong trào công nhân ở Hải Phòng, Hà Nội.

Sau thời kỳ khôi phục phong trào cách mạng ở Hải Phòng, đồng chí được điều vào công tác ở miền Nam, làm Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Một thời gian sau, được Đảng giao nhiệm vụ, đồng chí trực tiếp tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1941, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai ở Vinh và đưa ra nhà tù Côn Đảo. Trong lao tù của đế quốc, đồng chí không ngừng học tập và đấu tranh, luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, cách mạng và nhân dân.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Văn Linh được đón từ Côn Đảo trở về Nam bộ. Ngay từ những ngày đầu khó khăn, gian khổ, khi cách mạng còn trong “thời kỳ trứng nước”, với chức vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia định, sau đó tham gia Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, đồng chí đã cùng tập thể Xứ ủy trực tiếp lãnh đạo đồng bào, chiến sĩ miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, chiến đấu anh dũng, kiên cường chống bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi.

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, đất nước tạm thời chia làm hai miền, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng cử ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong những ngày tháng gian nan ấy, với cương vị quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ, rồi Bí thư Xứ ủy Nam bộ (1957-1960), sống giữa lòng dân, được nhân dân che chở, bảo vệ, đồng chí đã vượt qua biết bao nguy hiểm, đi khắp các địa bàn thành phố và vùng ngoại vi, nhiều khi phải lặn lội ra bưng biền để nắm bắt tình hình, hoặc họp bàn những chủ trương chiến lược.

Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của tổ chức Đảng ở miền Nam, Nguyễn Văn Linh cùng với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, các tổ chức Đảng đã thực hiện giữ gìn lực lượng, bí mật tích cực chuẩn bị cho việc chuyển lên đấu tranh vũ trang. Những chuẩn bị của Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy đã được thực hiện thành công trong phong trào Đồng khởi của nhân dân Nam bộ.

Sau phong trào Đồng khởi, tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Để kịp thời đối phó với âm mưu mới của địch, Trung ương Đảng quyết định tái lập Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Một lần nữa, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương Cục. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng được Bộ Chính trị cử vào phụ trách trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đảm trách cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục. Đây là thời kỳ hết sức gay go, phức tạp bởi tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh một mất một còn giữa cách mạng và phản cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng những người con ưu tú của Đảng ở miền Nam, cùng với đồng bào, chiến sĩ miền Nam kề vai sát cánh đi suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

Là người bám trụ kiên cường ở miền Nam, đối diện với các cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ và chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ đạo thực hiện đúng đắn và sáng tạo, góp phần đưa quyết tâm, đường lối của Đảng về cách mạng miền Nam thành hiện thực. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thuộc về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast