Nhà báo điều tra phải đi đến tận cùng sự thật

(Baohatinh.vn) - “Đôi khi, một bài báo có thể quyết định sinh mệnh chính trị một con người. Thế nên, nhà báo điều tra phải đủ tâm và tầm, đi đến tận cùng sự thật khách quan để không “giết chết” cơ đồ của mỗi cá nhân” – câu nói thẳng thắn, đầy kinh nghiệm của một đồng nghiệp đã "khai sáng” cho nghiệp cầm bút của tôi. Và trong suốt 15 năm qua, câu nói như một “định lý” đó đã giúp tôi tránh được sai lầm, gặt hái thành công khi “kết duyên” với thể loại điều tra đầy khó khăn, gai góc.

Nhà báo điều tra phải đi đến tận cùng sự thật

Người dân xóm Trung Phú (Thạch Thắng) trình bày bức xúc với nhà báo Thăng Long (Báo Hà Tĩnh)

Một nửa sự thật không là sự thật

Sau 15 năm gắn bó với nghề báo, tôi nghiệm ra rằng, áp lực đối với người phóng viên, nhất là phóng viên viết điều tra là phải đi đến cùng của sự thật. Để thu thập những nguồn thông tin nóng hổi, chính xác nhất, đòi hỏi phóng viên phải xâm nhập thực tế. Mà thực tế đó trong các bài điều tra nhiều khi không phải là bia lạnh, điều hòa, thực tế đó là những cuộc lội suối, trèo rừng, là những xe tàu, bến bãi, là xì ke, ma túy và những cuộc chơi đàng điếm nhất. Những lúc như thế, buộc nhà báo phải trở thành một diễn viên lành nghề, nhập vai một cách hoàn hảo để “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, cảm nhận sự việc, hiện tượng một cách chính xác, hoàn chỉnh nhất.

Năm 2012, chúng tôi tiếp cận, tìm hiểu và phản ánh về hiện trạng khai thác trái phép rừng quốc gia Vũ Quang. Bằng cách nhập vai, chúng tôi đã xâm nhập được vào vùng lõi của rừng, chứng kiến tận mắt việc tàn sát rừng của lâm tặc. Thế nhưng, điều đau đáu nhất trong tôi lúc này là bằng cách nào gỗ lậu có thể thoát ra cửa rừng, về xuôi khi có nhiều tầng, lớp kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng? Để giải tỏa “cơn khát” sự thật này, chúng tôi đã âm thầm mật phục nhiều đêm trong cái lạnh se thắt của núi rừng Vũ Quang. Và sự thật được phơi bày khi chúng tôi chứng kiến sự “lơ là, không kiểm tra triệt để” (nói đúng hơn là tiếp tay – P.V) của những người có trách nhiệm. Liên quan đến vụ việc này, ngay sau đó, cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố và xét xử một số đối tượng.

Một nửa sự thật không còn là sự thật và nguy hiểm hơn, đôi khi nó làm thay đổi hoàn toàn bản chất của vấn đề. Tính trung thực của vụ việc là điều cốt lõi, để có được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải đi sâu tìm hiểu, phân tích, nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau. Bằng kinh nghiệm của một người viết điều tra, tôi nhận thấy, để sáng tỏ sự việc, trong đầu nhà báo luôn phải đặt câu hỏi tại sao. Tại sao thế này mà không phải thế kia? Tại sao nó lại xảy ra? Tại sao họ lại hành động như thế? Tại sao và tại sao...? Nói cách khác, muốn tìm ra sự thật, nhà báo phải đóng vai trò phản biện đa năng.

Nhà báo điều tra phải đi đến tận cùng sự thật

Nhà báo điều tra phải đi đến tận cùng sự thật

Một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và hai bàn tay sạch

Để đi đến cùng sự thật khách quan, đảm bảo tính trung thực, trước hết, nhà báo điều tra phải trung thực với chính mình. Muốn làm được điều đó, nhà báo phải hội tụ đủ 3 tố chất: “một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và hai bàn tay sạch”. Phải có “cái đầu lạnh” để tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, xử lý tình huống và tổ chức điều tra. Nhiều khi, người cung cấp thông tin, thậm chí là đơn thư cho nhà báo xuất phát từ động cơ cá nhân, muốn “mượn tay” nhà báo để trục lợi. Đặc biệt, trong những thời điểm nhạy cảm chính trị, bầu bán, nhiều cá nhân đã cung cấp, “báo án” sai nhằm mục tiêu “triệt hạ” đối thủ, hay tạo dựng bức tường che chắn điểm yếu của mình. Nếu không đủ tỉnh táo và nhạy cảm, nhà báo sẽ lâm vào cảnh dở khóc, dở cười khi “thả hình, bắt bóng”.

Nhà báo phải có “trái tim nóng” để biết rung lên nhịp đập giận dữ với những hành vi trái pháp luật, biết đồng cảm với nỗi khổ của các nạn nhân trong các vụ việc tiêu cực và đủ nhiệt huyết để lao vào những cuộc điều tra gian khó. Và, điều tối quan trọng nữa là phải có “hai bàn tay sạch” để ngòi bút không bị “uốn cong”. Trong đời sống xã hội ngày nay, nhiều khi đồng tiền ma mị có sức mạnh mãnh liệt, đè nát những tượng đài đạo đức và làm thay đổi giá trị của sự trung thực. Không phải là tất cả nhưng đâu đó đã hình thành nên lối sống với phương châm chát đắng: cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền. Và gục ngã trước cám dỗ, nhiều nhà báo đã không viết lên những tiêu cực, vi phạm; thậm chí, “bẻ cong” ngòi bút để quay lại biểu dương, trở thành “bồi bút”. Gieo nhân nào thì gặt quả đấy, thời gian gần đây, một số nhà báo đã phải vào tù vì tội “nhận hối lộ”, tống tiền. Đau đớn thay, nhiều vụ việc, nhà báo bị chính các đối tượng đang điều tra “gài bẫy”.

Một trong những áp lực không nhỏ đối với phóng viên viết bài điều tra là phải tôi luyện bản lĩnh trước những cám dỗ. Trong cuộc sống hiện nay, cám dỗ vật chất không phải là thứ vật cản dễ dàng vượt qua và trên thực tế, một số nhà báo thiếu chân chính đã gục ngã. Hành hung, đe dọa, dùng vật chất mua chuộc là những áp lực hữu hình mà nhà báo có thể vượt qua. Nhưng nguy hại nhất vẫn là những áp lực vô hình từ mệnh lệnh hành chính hay những cuộc điện thoại không chính thức. Với những áp lực này, nhiều dữ liệu, bài viết của một số phóng viên điều tra đã mãi mãi nằm trong sổ tay phóng viên, nằm trong ngăn kéo tài liệu.

Vĩ thanh

Điều tra là thể loại gai góc nhất, đòi hỏi phóng viên phải lao tâm, khổ tứ, trăn trở nhiều nhất nhưng những bài viết điều tra cũng được độc giả quan tâm nhiều nhất. Hiệu ứng tích cực của xã hội, sự đón nhận của độc giả và sự vào cuộc giải quyết của các ngành chức năng là “quả ngọt” mà phóng viên điều tra được hưởng sau những “trái đắng” nếm trải trong khi tác nghiệp. Đó là nguồn động viên, khích lệ lớn nhất để hàng ngàn nhà báo vẫn đang ngày đêm trăn trở, lăn lộn với thể loại điều tra chống tiêu cực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast