Nhà lãnh đạo tiên phong trong công cuộc đổi mới

(Baohatinh.vn) - Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, “đứng mũi chịu sào” ở một địa bàn hoạt động kinh tế năng động, bằng kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận thấy một số chính sách và cơ chế quản lý kinh tế lúc đó đã lỗi thời, nhưng chậm được sửa đổi, làm sản xuất đình trệ, tạo khe hở phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực…

>> Người cộng sản kiên cường

Nhà lãnh đạo tiên phong trong công cuộc đổi mới ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ VI ngày 18/12/1986. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện một số mô hình đổi mới sản xuất và kinh doanh. Những mô hình mới đã áp dụng chế độ lương khoán sản phẩm, tự tìm cách tháo gỡ khó khăn về vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và làm ăn có lãi. Lúc này, cuộc đấu tranh giữa tâm lý bảo thủ, cách làm trì trệ với sự đổi mới, năng động trong cả cách nghĩ và cách làm diễn ra khá gay gắt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã ủng hộ những mô hình tiên tiến, trong nhiều phiên họp Thành ủy và chính quyền thành phố, đồng chí đề nghị mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau.

Nhờ sự chỉ đạo năng động và sáng tạo của Thành ủy và chính quyền thành phố, sau một thời gian ngắn, nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh có những bước chuyển mang tính đột phá. Hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất gia đình trước đó bị đình trệ đã được khôi phục, hoạt động trở lại. Một số mô hình công tư hợp doanh mới được thử nghiệm. Hiệu quả thực tế từ TP Hồ Chí Minh đã giúp Trung ương Đảng và Bộ Chính trị càng thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, có những kinh nghiệm để mở rộng công cuộc đổi mới ra cả nước. Trong thành công đó có phần đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công đầu trong việc tìm tòi, khai phá con đường đổi mới ở Việt Nam. Với những cống hiến tích cực đó, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, nhận trách nhiệm lãnh đạo cao nhất, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, nhưng mới nêu được những phương hướng chủ yếu của cơ chế mới, còn nội dung, hình thức, bước đi và cách làm cụ thể thì còn nhiều và chưa giải đáp được thỏa đáng cả về lý luận lẫn thực tế.

Trước tình hình đó, BCH Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một mặt ra sức tìm tòi, cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI bằng cơ chế, chính sách, cách làm phù hợp; mặt khác, kiên trì những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo sự nghiệp đổi mới nhằm giữ vững định hướng chính trị cho toàn Đảng, toàn dân. Để khởi động cho công cuộc đổi mới, phải khắc phục sức ì do cơ chế cũ tạo ra trong tư duy, hành động và nếp nghĩ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh phát động và tiên phong đổi mới phong cách lãnh đạo “nói thẳng, nói thật”, đả phá mạnh mẽ sự bảo thủ, trì trệ, vô trách nhiệm trong lãnh đạo quản lý và thực tiễn.

Thời kỳ này, tình hình quốc tế có những biến động phức tạp, CNXH trên thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc, chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ; KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn. Tình hình trên đã tác động mạnh đến xã hội ta, xuất hiện một số người có tư tưởng dao động, biểu hiện cơ hội, hữu khuynh. Đấu tranh chống những biểu hiện sai trái đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: muốn công cuộc đổi mới giành thắng lợi, trước hết phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng bởi “sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta là một tất yếu khách quan”. Đồng chí chỉ rõ: đi lên CNXH là con đường tất yếu của nước ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu CNXH, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện bằng những hình thức, biện pháp, bước đi phù hợp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy thiếu sót, hạn chế và phải có tinh thần dũng cảm để tự phê phán, tự đổi mới. Đồng chí chỉ rõ những phát sinh tiêu cực, tồn tại và ngày càng phát triển trong Đảng vào những năm sau thống nhất. Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự đổi mới; trước hết là đổi mới nhận thức, phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ lý luận và vận dụng vào công tác thực tế, khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa giáo điều; đồng thời, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ bày tỏ quan điểm, mà còn lãnh đạo và tổ chức thực hiện đưa các quan điểm vào cuộc sống. Trong giai đoạn lịch sử của đất nước lúc đó đã thể hiện nổi bật sự nhạy bén, sáng tạo và tài năng tổ chức, triển khai thực hiện của tập thể lãnh đạo Đảng ta, trong đó, có vai trò của người đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Linh. Thành công 5 năm đầu (1986-1991) của thời kỳ đổi mới, trước hết phải nói tới thành công về mặt tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.

Thành công bước đầu của công cuộc đổi mới đã đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng KT-XH, chính trị ổn định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ được củng cố; là sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng CNXH và hoạch định kế hoạch dài hạn trong xây dựng, bảo vệ đất nước những năm tiếp theo thông qua các đại hội của Đảng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast