Nhớ người Anh cả - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Võ Nguyễn Giáp là một trọng những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của Đảng ta, của dân tộc ta. Xuất thân từ một trí thức, bắt nguồn từ lòng yêu nước mà ông đã đến với Đảng với Cách mạng và trở thành người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với những mốc son lịch sử của dân tộc: Cách mạng tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975.

Đặng Duy Báu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu: Lao Động/TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu: Lao Động/TTXVN)

Thuộc thế hệ học trò trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người được toàn dân, toàn quân ta kính trọng yêu mến và tin tưởng. Từ nhỏ, tôi đã rất ngưỡng mộ ông, cũng không dám nghĩ đến, dù đó là mơ ước, được một lần gặp Đại tướng. Về sau này, do công việc mà may mắn tôi được nhiều lần gặp Đại tướng trong những hoàn cảnh khác nhau. Lần gặp nào cũng để lại những dấu ấn tốt đẹp, những kỷ niệm sâu sắc khó quên. Song, có hai lần gặp, mà cho đến tận bây giờ vẫn khắc sâu và ghi nhớ trong đời người của mình.

Đó là vào năm 1988. Tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra làm việc với Bộ Chính trị để báo cáo kế hoạch và nội dung kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1990). Sau buổi làm việc, tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sáng hôm đó, biết kế hoạch trước nên Đại tướng đã chờ sẵn, ông đón chúng tôi từ ngoài sân rất niềm nở.

Sau khi giới thiệu và báo cáo với ông nội dung đã làm việc với Bộ Chính trị, tôi đặt vấn đề xin Đại tướng cho ý kiến trong dịp kỷ niệm này ở Nghệ Tĩnh nên tập trung tuyên truyền nội dung gì về Bác Hồ. Ông nhìn chúng tôi cười rồi nói, có lẽ nên đi sâu và tìm hiểu kỹ về tính nhân văn, đó là hạt nhân của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Ông say sưa lý giải về điều này, ông bảo chính từ gốc nhân văn, yêu con người, muốn giải phóng cho con người khỏi áp bức bóc lột, mà Bác có được lòng yêu nước, yêu dân tộc lớn lao đến vậy. Ông nói đến tình thương người của Bác bao la, nhưng cũng rất cụ thể.

Nhớ lại sau chiến thắng Hòa Bình, khi báo cáo với Người về số hy sinh và thương vong cả bên địch và bên ta, Người ngậm ngùi và nói: “Chết nhiều quá hè”, rồi Người lặng đi… Đại tướng dừng lại, ông nói: “Bác Hồ là rứa đó”. Ông lại nói về tầm nhìn và tính sáng tạo ở Hồ Chí Minh. Vào thời đó, có nhiều người trên thế giới đi tìm đường cứu nước, mà chỉ có Hồ Chí Minh thấy được chủ nghĩa Mác - Lênin, đến nỗi khi đọc được luận cương “Về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, Người đã reo lên: Đây rồi, con đường cứu nước đây rồi. Còn nhớ có một thời người ta bài xích chủ nghĩa dân tộc, thì Hồ Chí Minh cho rằng dân tộc là trước hết… Đó là tầm nhìn chỉ có được ở vĩ nhân. Đại tướng lại nói tiếp, Bác Hồ là một con người luôn sáng tạo.

Tầm sáng tạo của Người không chỉ ở chiến lược cách mạng, mà còn ở những việc cụ thể trong ứng xử hàng ngày với đồng bào, đồng chí và ngay cả với kẻ thù. Người luôn biết lắng nghe, tìm hiểu để nắm bắt tình hình và quyết đoán mau lẹ. Còn nhớ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi tôi điện về báo cáo với Bác quyết định thay đổi phương châm và cách đánh, lúc đó dù rất nhiều áp lực, nhưng nghe xong Bác đồng tình ngay.

Ông lại nói, Bác Hồ đi khắp thế giới, sống với nhiều loại người, xa quê hương đã nửa thế kỷ thế mà “Ông già rặt xứ Nghệ”. Đọc báo, thấy bài nào viết liên quan đến Nghệ Tĩnh là Bác khoanh tròn lại, có tin gì về sản xuất, chiến đấu về đời sống của dân ở trong đó là Bác hỏi ngay, có đoàn công tác hoặc cá nhân nào có thành tích ở quê ra xin gặp là Cụ yêu cầu bố trí gặp cho được. Bác thuộc ca dao tục ngữ, điển tích; thuộc từng di tích lịch sử, từng tên đất, tên làng, nhớ từng người bạn cũ ở quê. Các anh thấy đấy, giọng nói của Bác cũng là giọng xứ Nghệ chứ có pha tạp gì đâu…

Ngồi với Đại tướng nghe Đại tướng nói về Bác mà tôi cứ liên tưởng như trước mắt mình là hình ảnh Bác Hồ hiện thân vào Đại tướng. Cảm giác ấy, Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp, mãi khắc sâu vào kí ức đời tôi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ vào tháng 9/1945 ngay sau Cách mạng tháng Tám (ảnh: AP)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ vào tháng 9/1945 ngay sau Cách mạng tháng Tám (ảnh: AP)

Lần gặp thứ hai là vào năm 2003. Tôi được cử tham gia đoàn đại biểu đại diện cho lưu học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam đã từng học ở Liên Xô, theo lời mời của Tổng thống V.I.Putin, sang dự hội nghị quốc tế ở Nga. Đồng thời nhân chuyến đi này sẽ làm việc với Viện hàn lâm khoa học Nga về Luận chứng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Trước khi đi, tôi nghỉ ở nhà khách của TW ở Hồ Tây. Tình cờ được gặp Đại tướng, do đang sửa nhà nên gia đình tạm chuyển ra đấy. Biết tôi cũng ở đó, ông cho người tin tôi sang gặp.

Bước vào phòng thấy Đại tướng ngồi trên ghế xa lông tươi cười, ông bắt tay tôi và kéo ghế mời tôi ngồi bên cạnh. Tôi chào, hỏi thăm sức khỏe Đại tướng và gia đình rồi báo cáo chuyến đi sang Nga. Ông nói ngay, cậu thấy đấy, người Nga chân tình và sống thủy chung có trước có sau lắm. Rồi ông nói về tình hình Hà Tĩnh. Điều ngạc nhiên là ông biết khá tường tận về tình hình Hà Tĩnh. Ông khen Hà Tĩnh đang có phong trào huy động sức dân để xóa nhà tranh tre dột nát, đó là việc làm xóa đói giảm nghèo thiết thực và rất nhân văn…, ông hỏi tôi, nghe nói có Việt kiều về đầu tư nuôi tôm ở trong đó phải không. Sau khi nghe tôi báo cáo về dự án đó, ông nói, đầu tư như thế là đúng hướng lắm, nhưng vấn đề là hiệu quả của dự án. Nuôi tôm khó lắm, nhất là vùng khí hậu khắc nghiệt ở trong ta, không hiểu nhà đầu tư đã tìm hiểu kỹ chưa. Anh nói với họ là nên dựa vào dân. Nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lo vốn và kỹ thuật…, còn giao cho hộ dân họ nuôi.

Nghe ông nói mà tôi cứ ngỡ ngàng sao Đại tướng ở ngoài này mà hiểu sâu, hiểu kỹ và nhắc nhở tôi sâu sắc như vậy. Rồi ông nói say sưa về chuyện cán bộ phải làm theo Bác Hồ và ghi nhớ lời Bác về trau dồi đạo đức cách mạng. Cán bộ không làm gương, mà quan liêu tham ô, tham nhũng là dân mất tin. Mất tin ở cán bộ dễ dẫn đến mất tin vào Đảng, vào chế độ, vấn đề lớn lắm đấy. Rồi ông kể cho tôi nghe những hiện tượng cụ thể về sự suy thoái đạo đức của một số cán bộ. Ông nói tôi lo lắm, các anh đương chức cần phải nhắc nhở nhau, giúp nhau, quản lí nhau giữ gìn cho được phẩm chất đạo đức.

Ông lặng người một lúc rồi nói, không súng đạn nào, quân đội nào, không tiền bạc nào đánh đổi được điều quý giá đó đâu anh Báu ơi! Đang say sưa tâm sự, thì Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đến xin ý kiến về vấn đề lịch sử quân sự. Tôi chào Đại tướng ra về.

Ông tiễn tôi ra cửa và nắm chặt tay nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi tới cán bộ và bà con Hà Tĩnh. Lòng tôi thấy bồi hồi khó tả. Thấy Đại tướng có chậm chạp hơn, nhưng vẫn rất tỉnh táo và sắc sảo. Tôi nhìn ông, thấy ông hiền lành phúc hậu, cảm động trước sự chân tình và cởi mở với lớp cán bộ thuộc đàn con em như chúng tôi. Ông là mẫu mực của tấm gương một người “khai quốc công thần” suốt đời tận tâm vì dân vì nước.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast