Phải biết xấu hổ vì tham nhũng!

“Cán bộ, tổ chức phải biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Quyết tâm không chỉ trên giấy, hô hào mà phải được nhìn thấy trong thực tế. Chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống trong các cơ quan chống tham nhũng. Phải không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng diễn ra ngày 5/5 vừa qua. Phát biểu của Tổng Bí thư đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng vào thành trì của tệ nạn tham nhũng.

Phải thừa nhận thực tế, tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối, là thực trạng đáng lo ngại của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Thừa nhận thực trạng này cũng là cách được người lãnh đạo cao nhất của Đảng lựa chọn nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt vào “bức tường thành” tham nhũng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vừa qua, mà Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm trừ thứ “giặc nội xâm” bằng sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc chống tham nhũng phải từ trên xuống, cán bộ, đảng viên phải làm gương. Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều gương cán bộ, đảng viên, nhân dân, kể cả đảng viên đã nghỉ hưu, dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vẫn còn nhiều đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức vì lý do này khác (không muốn ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đơn vị, có biểu hiện bao che cho cấp dưới vi phạm, sợ liên lụy đến bản thân, hoặc trót “nhúng chàm"...) nên không làm tròn trách nhiệm của mình, nguy hại hơn là đồng lõa với tham nhũng...

Dù chưa thể đưa ra ánh sáng tất cả các vụ án tham nhũng như cách nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri ở TP Hồ Chí Minh cuối tháng 4 vừa qua, nhưng với việc một số đại án tham nhũng được đưa ra trước vành móng ngựa trong thời gian gần đây (Vinalines, Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam...), đã cho thấy quyết tâm của Đảng không chỉ trên giấy, mà đã thể hiện bằng hành động thực tế. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng vẫn là thách thức không nhỏ, đe dọa đến thành quả của công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng, thực hiện.

Một trong những lĩnh vực dư luận bấy lâu day dứt là sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Kết quả của cuộc điều tra “Tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây cho thấy, 43% doanh nghiệp cho rằng tham nhũng, hối lộ đang đeo bám họ. Cụ thể họ đã phải chi khoản tiền hối lộ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền.

Con số nêu trên dù chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng trên thực tế, tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp và các quan chức tha hóa sẽ hình thành những “nhóm lợi ích”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta.

Vì thế, để phòng, chống tham nhũng mang lại kết quả như mong muốn, một mặt phải nghiêm trị những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân coi hành vi đưa hối lộ, “bôi trơn” như một giải pháp để mang lại lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast