Quốc hội thảo luận chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Chiều qua (4/8), Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, nghe và thảo luận về Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Kế thừa, phát huy những tiến bộ của Hiến pháp năm 1992

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; phải căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước; tiếp tục khẳng định bản chất, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh 1991 và Hiến pháp 1992. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Các đại biểu phát biểu tại Hội trường - Ảnh Chinhphu.vn
Các đại biểu phát biểu tại Hội trường - Ảnh Chinhphu.vn

Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc sửa đổi, bổ sung phải tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; thực hiện dân chủ XHCN; tăng cường kỷ luật kỷ cương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) - Ảnh Chinhphu.vn
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) - Ảnh Chinhphu.vn

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra một số định hướng lớn như về chế độ chín h trị tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và nhân dân ta.

Khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do dân và vì nhân dân. Theo đó, phải làm rõ cách thức sự dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.

Về thể chế kinh tế, cần sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm mục tiêu, định hướng chính sách lớn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

Về tổ chức bộ máy nhà nước, tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân, cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Về Chính phủ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thống suốt, hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ hơn ở tầm hiến định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, với các cơ quan tư pháp.

Đối với chính quyền địa phương, Tờ trình cũng đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng nghiên cứu xác định rõ hơn địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương...

Theo dự kiến kế hoạch việc tổ chức thực hiện, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ủy ban sửa đổi Hiến pháp có nhiệm vụ tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992, xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phấn đấu trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất vào Kỳ họp cuối năm 2012, sau đó tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào khoảng tháng 3-4/2013. Tiếp đó, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Hiến pháp phải mang tính ổn định, lâu dài

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) - Ảnh Chinhphu.vn
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) - Ảnh Chinhphu.vn

Thảo luận về Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các đại biểu tán thành cao với các định hướng, nội dung lớn của Tờ trình về triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 là cần thiết. Đặc biệt, cần tập trung vào sửa đổi những quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó làm rõ hơn mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đề nghị cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò và mối quan hệ cơ bản giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong Hiến pháp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) tán thành quan điểm sửa đổi Hiến pháp là phải mang tính ổn định, lâu dài, phải kế thừa và phát huy những thành tựu, ưu việt và tiến bộ của Hiến pháp 1992.

“Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này cần làm rõ hơn cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quyền cơ bản của công dân. Thể hiện bản chất dân chủ, công bằng, văn minh của chế độ chính trị nhà nước ta.

TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh trăn trở, điều lớn nhất cần sửa đổi lần này là tổ chức bộ máy nhà nước. Cụ thể, quy định tổ chức bộ máy Trung ương với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ nhằm hạn chế lạm quyền. Bên cạnh đó, cũng phải cân nhắc đến việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương với loại hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn với đặc trưng riêng cho phù hợp với xu thế phát triển.

Một số đại biểu khác góp ý về việc tăng thêm số thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với đại diện của một số ngành nghề và tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào cuối Kỳ họp này.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast