Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện phát triển KT-XH năm 2010 và kế hoạch năm 2011

Hôm qua (22/10), ngày làm việc thứ 3, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2010 và kế hoạch năm 2011. Tham gia góp ý về vấn đề này, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh nhận định việc bội chi ngân sách nên duy trì ở mức dưới 5%, việc bội chi ngân sách lớn dẫn đến lạm phát và nợ công. Do đó, việc xem xét chỉ số bội chi ngân sách phải hết sức kỹ lưỡng và dự tính, dự báo chính xác để tránh lạm phát trở lại

2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Chiến lược phát triển KT - XH 2001 - 2010 và cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân tập trung sức phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp và chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI vào đầu năm sau.

Các đoàn ĐBQH thảo luận tại tổ
Các đoàn ĐBQH thảo luận tại tổ

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và những kết quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của năm trước, trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo các tháng cuối năm, có thể đánh giá nền kinh tế đã phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng GDP quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,4%, quý III tăng 7,16%; quý IV ước tăng 7,2%. Ước cả năm 2010 GDP tăng khoảng 6,7%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% do Quốc hội đã đề ra; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,6%; khu vực dịch vụ đạt 7,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng GDP từ 20,91% năm 2009 giảm xuống 20,3% năm 2010; khu vực công nghiệp và xây dựng từ 40,24% tăng lên 41,1%; tỷ trọng khu vực dịch vụ giảm nhẹ từ 38,85% xuống 38,6%...

Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát: Sau khi Chính phủ ra Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, các Bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện các chương trình hành động nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trong năm 2010. Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 18/NQ-CP và các nghị quyết khác của Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng yêu cầu và tiến độ đề ra. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã góp phần tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,5% từ mức 11,3% năm 2009, thấp hơn mục tiêu 10-11% của Kế hoạch 5 năm 2006-2010; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn tiếp tục giảm, dự kiến còn khoảng 12% vào cuối năm 2010; tạo việc làm 1,6 triệu người, đạt chỉ tiêu kế hoạch. 62 huyện nghèo nhất đã cơ bản hoàn thành xóa nhà dột nát cho hộ nghèo.

QP - AN được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 (tháng 4 năm 2010), Hội nghị Đại hội đồng liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 31 (AIPA - 31) (tháng 9 năm 2010), Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Qua đó giới thiệu được nhiều hình ảnh đẹp về đất nước và con người, làm cho các nước và bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, vị thế trong quan hệ quốc tế được tăng cường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải được phân tích thấu đáo và có biện pháp cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến cho những năm tiếp theo.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo. Thứ hai, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động bởi một số chính sách cụ thể. Thứ ba, quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường; cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Thứ tư, điều hành chính sách, quản lý thị trường, giá cả; điều hòa sản xuất, lưu thông, phân phối trong một số ngành, lĩnh vực chưa tốt. Thứ năm, một số vấn đề về xã hội và môi trường bức xúc chậm được giải quyết.

Tham gia thảo luận tại tổ, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn Hà Tĩnh thống nhất đánh giá năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, nền kinh tế đã phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vượt kế hoạch đề ra; chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do thiên tại gây ra tại miền trung được triển khai kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các tổ chức trên cả nước...

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nên có đánh giá cụ thể hơn đối với chiến lược phát triển vùng nhằm, đánh giá lại sự phát triển của các vùng, khoảng cách giữa các vùng miền... để có sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển bền vững, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, công trình xã lũ, ngăn mặn đảm bảo an sinh xã hội...Vấn đề thứ hai là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu như mong muốn, việc đầu tư cho vùng miền còn nhiều hạn chế...

Chính phủ cần có sự đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn 12 chương trình mục tiêu quốc gia, nếu chương nào đạt được mục tiêu thì nên đưa ra khỏi chương trình đồng thời bổ sung các chương trình mục tiêu cần thiết khác trong giai đoạn tiếp theo; theo các đại biểu thì trong thời gian đến cần phải duy trì một số chương trình như chương trình 135, chương trình đầu tư y tế cho tuyến huyện và tuyến cơ sở; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình đầu tư cho công trình phúc lợi từ nguồn vốn trái phiếu.

Vấn đề an sinh xã hội vẫn còn một số bất cập như: chế độ tiền lương đối với công nhân ở các khu công nghiệp còn quá thấp, lương đối với giáo viên mầm non, chế độ với người có công chưa đảm bảo chi phí cuộc sống vì vậy đề nghị chính phủ nên có chiến lược để đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng này trước mắt và lâu dài.

Liên quan đến lĩnh vực QP - AN và một số lĩnh vực khác, Đại biểu Nguyễn Thanh Tân - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là QP - AN được đảm bảo, chủ quyền được giữ vững, nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước Asean (ADMM), vị thế của nước ta ngày càng được cũng cố. Năm tới, cần tiếp tục được quan tâm kinh phí và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ. Về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại hạn chế như việc xử lý chưa nghiêm đối với sai phạm của một số tập đoàn kinh tế; việc thí điểm các tập đoàn quá dàn trải; việc mở rộng quy mô hoạt động của các tập đoàn không kiểm soát được; giá thành điện chưa được xác định cụ thể...Những tồn tại hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do sự quản lý nhà nước lỏng lẽo, một số trường hợp đã được phát hiện nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa triệt để xảy ra tình huống vi phạm kéo dài.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011.

Tham gia góp ý về vấn đề này, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh nhận định việc bội chi ngân sách nên duy trì ở mức dưới 5%, việc bội chi ngân sách lớn dẫn đến lạm phát và nợ công. Do đó việc xem xét chỉ số bội chi ngân sách phải hết sức kỹ lưỡng và phải dự tính, dự báo chính xác để tránh lạm phát trở lại. Thứ 2, về vấn đề nợ công, theo đánh giá của Chính phủ thì nợ công như hiện nay là ở mức an toàn nhưng theo ý kiến của đại biểu thì tính an toàn chỉ mang tính tương đối. Do đó, việc quản lý nợ công phải được kiểm soát một cách chặc chẽ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast