Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Viên chức và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm

Ngày 26/10 (ngày làm việc thứ 6), Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viên chức và Dự án Luật Viên chức và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ngày làm việc thứ 6, Quốc hội thảo luận về các dự án luật tại hội trường
Ngày làm việc thứ 6, Quốc hội thảo luận về các dự án luật tại hội trường

Chỉ điều chỉnh viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viên chức.
Dự án Luật Viên chức đã được QH thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII. Dự án Luật Viên chức sau khi được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm 6 chương và 63 điều.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Viên chức, UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ điều chỉnh viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì, cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau, nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập là về phương diện quản lý.

Đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Vì thế, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này không thể giống với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo mô hình doanh nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Do vậy, không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

Đa số các ĐBQH đồng tình và đánh giá cao nội dung tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Viên chức. Về quy định chế độ hợp đồng đối với viên chức, một số đại biểu đề nghị, trong trường hợp luật quy định chế độ này thì nên gọi tên là “hợp đồng lao động”, chứ không dùng thuật ngữ “hợp đồng làm việc”. Dự thảo Luật đã thừa nhận hợp đồng làm việc chính là hợp đồng lao động, vậy tại sao không gọi là hợp đồng lao động mà gọi là hợp đồng làm việc khi bản chất nội dung, hình thức, giá trị pháp lý đều như nhau. Mặt khác, với việc gọi tên hợp đồng lao động, dự thảo Luật có thể lược bỏ bớt một số quy định trong các điều luật về quyền, nghĩa vụ của viên chức; việc ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động vì đương nhiên những nội dung này sẽ được áp dụng theo quy định chung về hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động.

Liên quan đến quy định về đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Luật phải dành một chương riêng quy định về đơn vị sự nghiệp công lập là gì, địa vị pháp lý ra sao và nếu gọi những người làm việc ở các đơn vị này là viên chức thì dịch vụ họ cung cấp cho xã hội có phải là công vụ không?

Có nên trích lập Quỹ bảo hiểm quyền lợi người được bảo hiểm?

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Các ĐBQH cơ bản tán thành với việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn còn hình thức. Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này chỉ có một số điều nhưng có đến 4 điều giao Chính phủ quy định thì có bảo đảm tính cụ thể của luật hay không? ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị, nếu dự thảo Luật không quy định được cụ thể, thì phải quy định tiêu chí, nguyên tắc của những vấn đề điều chỉnh. Một số ĐBQH cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định nghiêm cấm việc tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thành lập công ty bảo hiểm. Các doanh nghiệp lập công ty bảo hiểm nội bộ, khép kín là trái với nguyên tắc kinh tế thị trường, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng.

Về vấn đề trích lập quỹ bảo hiểm quyền lợi người được bảo hiểm, các ĐBQH còn có ý kiến khác nhau. Một số ĐBQH cho rằng, đây là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra với thị trường tài chính, nên cần được thành lập. Hơn nữa, quỹ này không phải lấy từ ngân sách mà lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm. Song, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) nhấn mạnh, cần nghiên cứu kỹ càng về việc trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều luật đã ban hành có quy định về việc thành lập quỹ, nhưng hiệu quả sử dụng, ai là người quản lý, điều hành, nguồn trích quỹ, tính khả thi của việc làm này... chưa được tổng kết. Hơn nữa, khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bị phá sản sẽ giải quyết theo Luật Phá sản. Mà theo nguyên tắc giải quyết phá sản thì ưu tiên thứ nhất là giải quyết quyền lợi người lao động, thứ hai là tiền thuế của Nhà nước... Quỹ được hình thành từ việc trích lập doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp, nên người sử dụng có thể sẽ chịu thêm chi phí mua bảo hiểm.

Nhiều ĐBQH tán thành với việc sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng gồm công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast