Quy hoạch chi tiết xây dựng Bia dẫn tích Nhà lao Hà Tĩnh

UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý để UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, các cơ quan liên quan lập Quy hoạch chi tiết xây dựng Bia dẫn tích Nhà lao Hà Tĩnh (tại tổ 5, phường Tân Giang) trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

UBND tỉnh giao UBND thành phố Hà Tĩnh triển khai thực hiện đảm bảo đúng Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Theo nguồn tư liệu từ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nhà lao Hà Tĩnh (còn gọi nhà giam hoặc đề lao), được ra đời và tồn tại cùng với việc lập thành Hà Tĩnh năm 1831.

Từ năm 1925-1930, để đàn áp những người yêu nước, đặc biệt là những chiến sỹ Xô Viết, thực dân Pháp từng bước hoàn chỉnh hệ thống Nhà lao với hệ thống tường bao, bốt gác, buồng giam, xà lim và các bộ phận của chế độ lao dịch. Đây là nơi giam cầm hàng vạn chiến sỹ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cho đến những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Để đối phó và đàn áp phong trào của quần chúng, thực dân Pháp ra sức lùng sục, bắt giam cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy lúc bấy giờ Nhà lao Hà Tĩnh lúc bấy giờ chật ních tù nhân với chế độ giam giữ rất khắc nghiệt.

Nhà lao Hà Tĩnh nằm về phía Đông Bắc nội thành Hà Tĩnh. Phía Bắc giáp Trại Ngựa, phía Nam giáp Hồ Sen, phía Tây giáp đường đi cửa Hậu - dinh Lãnh binh; phía Đông giáp đường đi cửa Tiền Sở và cũng là cổng chính vào nhà lao. Khu vực nhà lao Hà Tĩnh rộng 5.852m2, những bức tường bao quanh cao 4m, ở góc Đông Bắc và Tây Nam là hai bốt gác kiên cố.

Tuy bị giam cầm với chế độ khắc nghiệt nhưng không khí trong các phòng giam luôn luôn sôi nổi bởi các buổi nói chuyện, đọc thơ tuyên truyền cách mạng của các chiến sỹ...

Mặc dù phải chịu cảnh tù đày vô cùng khổ cực, ăn uống thiếu thốn, buồng giam chật hẹp, tối tăm, hôi thối… khiến sức khỏe các đồng chí dần bị bào mòn nhưng những chiến sỹ Xô Viết như: Phan Gần, Nguyễn Khiên Sức, Nguyễn Đình Tuy, Học Mai, Hồ Thị Lan, Nguyễn Thị Phúc, Đặng Thị Cẩm, Trần Thị Kim… vẫn tươi cười, lạc quan chuẩn bị cho cái chết đang cận kề.

Từ Nhà lao Hà Tĩnh, nhiều đồng chí không chịu khuất phục trước những âm mưu và thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù đã bị đày đi các nhà lao khác như Nhà lao Vinh, Ban Mê Thuột, Đắc Lắc…

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, những người cộng sản ở Nhà lao Hà Tĩnh vùng lên đấu tranh tự giải thoát.

Sau ngày 18/8/1945, Nhà lao Hà Tĩnh không còn vai trò nhà ngục giam giữ, chấm dứt tác dụng là công cụ bạo lực của chế độ thực dân – phong kiến sau gần 100 năm tồn tại.

Đến năm 1947, nhà lao Hà Tĩnh bị dỡ bỏ hoàn toàn, hiện nay chỉ còn là phế tích nhưng đây vẫn là địa điểm in dấu tội ác của thực dân và là nơi tỏa sáng của những tâm hồn chiến sỹ Xô Viết kiên trung trên mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast