Sáp nhập huyện, xã: "3 bí thư còn 1, xử lý thế nào vô cùng khó!"

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc góp ý Dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay (9/8), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chia sẻ: "3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó!”.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện lãnh đạo nhiều Bộ ngành và địa phương.

Nêu ý kiến tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, về cấp huyện, Hà Tĩnh chỉ có 1 thị xã không bảo đảm cả hai tiêu chí về dân số và diện tích tự nhiên. Vì vậy tỉnh kiến nghị từ nay đến 2021 chưa tiến hành nhập cấp huyện mà chỉ tập trung xã trước.

Sáp nhập huyện, xã: “3 bí thư còn 1, xử lý thế nào vô cùng khó!”

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Sắp xếp cán bộ là một thách thức

Về sáp nhập cấp xã, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đồng tình cao với đề án, từ nay đến 2021, nhập các xã không bảo đảm trên 50% cả hai tiêu chí về diện tích và dân số. Trong số 63 xã phải nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại một chứ không phải 2 xã.

“Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3. Vậy phải có 1 nội dung bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó!”, ông Lê Đình Sơn băn khoăn.

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng chia sẻ, địa phương này đã xong đề án và chỉ chờ Bộ Nội vụ ban hành đề án là có thể thực hiện được ngay.

Đồng quan điểm với ông Lê Đình Sơn về sắp xếp cán bộ, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh phải tính điều kiện thực tế. Bởi, khi sắp xếp bộ máy, giải quyết vấn đề trong nội bộ thì cũng nhiều chuyện. Bây giờ mới làm đề án thôi thì ở dưới đã tính đến vấn đề này kia rồi.

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An đề nghị cần tính thời gian phải giải quyết thấu đáo, làm sao khi bước vào Đại hội Đảng bộ cấp xã, cấp huyện 2020 và sau đó là cấp tỉnh 2021, thống nhất là lộ trình cần phải sớm.

Sáp nhập huyện, xã: “3 bí thư còn 1, xử lý thế nào vô cùng khó!”

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng nhấn mạnh quan tâm công tác sắp xếp cán bộ

Còn Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Văn Tư bày tỏ ủng hộ việc sáp nhập các đơn vị hành chính nhưng lưu ý khi sáp nhập sẽ có khó khăn và xáo trộn, tác động đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần tính toán để bớt tác động và phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tư cũng đề nghị Trung ương nên quy định thống nhất về chính sách đối với số cán bộ dôi dư phải nghỉ việc, không nên để mỗi nơi ban hành quy định riêng thì tác động không tốt.

“Mỗi giai đoạn lịch sử họ cũng có đóng góp cho sự phát triển. Họ nghỉ trước cũng là sự hy sinh cần phải trân trọng chứ không thể coi như là gạt bỏ”, ông Tư nói.

Đóng góp ý kiến vào đề án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị có thể nghiên cứu thêm về phạm vi của đề án, bởi lẽ việc sáp nhập dù chỉ làm thay đổi một địa chỉ số nhà cũng dẫn đến thay đổi nhiều giấy tờ hộ tịch.

Về công tác cán bộ, nhất là với số cán bộ dôi dư, Thứ trưởng Tư pháp nhìn nhận, đây là “đại vấn đề” mà nhiều địa phương trăn trở. Vì vậy, cần có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ chính sách áp dụng cho trường hợp này. Chưa kể ngoài địa phương thì có cả ngành dọc như thuế, hải quan, thi hành án. Do đó, cần có chính sách thống nhất, mỗi địa phương có cách khác nhau thì lại khó.

Sáp nhập huyện, xã: “3 bí thư còn 1, xử lý thế nào vô cùng khó!”

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Nhân dân đồng thuận thì làm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh mục tiêu của việc này là làm tinh gọn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả. Địa phương nào rà soát, đủ điều kiện và đặc biệt được nhân dân đồng thuận thì làm.

Về cán bộ dôi dư, ông Uông Chu Lưu cũng nhìn nhận khi sáp nhập từ 3 xã còn 1 thì trước đây có 3 bí thư, 3 chủ tịch giờ 2 người không còn giữ vị trí này, và hàng loạt cán bộ khác. Vì vậy phải xem xét chính sách, thậm chí có thể có quy định nâng số lượng cấp phó cũng như chế độ, lương phù hợp với phân loại đơn vị hành chính để đảm bảo sắp xếp ổn định, cán bộ an tâm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, có đủ cơ sở chính trị và pháp lý để xây dựng đề án này khi đã có nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như kế hoạch của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đề án nêu 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số nhưng đó là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét. Đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố, do đó, cần xem xét các yếu tố khác để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, trật tự an ninh và khối đại đoàn kết. Việc sáp nhập tuỳ theo điều kiện và đặc thù riêng của địa phương chứ không phải cơ học, máy móc.

Sáp nhập huyện, xã: “3 bí thư còn 1, xử lý thế nào vô cùng khó!”

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình: Sắp xếp huyện, xã không phải một cách cơ học

“Quản điểm chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế nhưng phải đảm bảo kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi quản lý nhà nước nhưng bảo đảm an ninh chính trị. Do đó, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung thêm tiêu chí cho phù hợp, không máy móc. 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chí chỉ mới là con số thống kê, còn khi xây dựng và thực hiện đề án, khi tính toán kỹ thì con số có thể khác” – ông Trương Hoà Bình nói.

Nhấn mạnh Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Còn hình thức lấy ý kiến như thế nào sẽ tính toán nhưng phải đảm bảo thực chất, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Chủ đề Cải cách hành chính

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast