Sửa đổi Bộ Luật Lao động nhằm tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước về lao động

Sáng 14/9, Đoàn ĐBQH phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Được ban hành năm 1994, qua 17 năm thi hành, Bộ luật Lâo động đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung tương đối cơ bản và toàn diện.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 277 điều tiếp tục điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội khác liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.

Một trong những quan điểm sửa đổi lần này là nhằm tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước về lao động, không can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền thương lượng và tự định đoạt của các bên quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động, song vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về việc giải thích từ ngữ, về tổ chức đại diện người sử dụng lao động, đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập các tổ chức công đoàn, về thỏa ước lao động tập thể ngành, thời gian làm thêm, đóng cửa tạm thời doanh nghiệp, về đình công...

Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn quyền lợi của các bên người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia ký kết các loại hợp đồng lao động hay khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vấn đề trốn, nợ bảo hiểm xã hội đang khá phổ biến, do đó một số ý kiến cho rằng Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nên tiếp tục kế thừa quy định về giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Liên quan tới quy định về giải quyết tranh chấp lao động, dự thảo luật cần quy định rõ thế nào là tranh chấp về quyền, về lợi ích và các nội dung cụ thể, trình tự, thủ tục và cơ quan giải quyết tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về vấn đề đình công như trong dự thảo luật còn chung chung, rườm rà, thiếu tính khả thi.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng đánh giá cáo ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu, những ý kiến đó sẽ được Đoàn ĐBQH tập hợp, báo cáo lên Uỷ Ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast