Tầm nhìn về biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Baohatinh.vn) - Năm 2014 đi qua với biết bao sự kiện, đặc biệt, khi biển Đông “dậy sóng” đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Từ sự kiện nóng bỏng này, tết đến, xuân về, ôn lại quá khứ chưa xa, càng trân trọng tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển đảo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại, lừng danh của mọi thời đại. Tên tuổi, cuộc đời binh nghiệp của vị tướng văn võ song toàn gắn liền với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Bây giờ, ông đã về với cõi tiên, an giấc ngàn thu trong lòng đất mẹ Vũng Chùa - Đảo Yến, quê hương Quảng Bình.

Tầm nhìn về biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)

Cách đây 40 năm, khi quân và dân ta đang trên đà chiến thắng khắp chiến trường miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc chớp thời cơ, nhanh chóng giải phóng các hòn đảo trên biển Đông nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược như sứ mệnh lịch sử giao phó lúc bấy giờ được thực hiện thắng lợi đã đi vào trang sử vàng truyền thống của dân tộc ta. Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc được bảo vệ toàn vẹn, vững chắc.

Đất nước trọn niềm vui thống nhất, hòa bình, núi sông, biển, đảo liền một dải, Nam - Bắc sum họp một nhà. Lịch sử dân tộc bước sang trang mới với hàng loạt vấn đề đặt ra sau chiến tranh. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu trên cương vị mới của ông là đánh giá toàn diện, cụ thể về “chiến lược biển” gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Tư duy khoa học sắc sảo, nhạy bén với tầm nhìn chiến lược có tính dự báo chính xác rất cao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến bây giờ và chắc chắn cả trong tương lai vẫn là bài học quý cho chúng ta.

Tại “Hội nghị khoa học về biển” tổ chức ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) vào đầu tháng 2/1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bài phát biểu đặc biệt quan trọng. Ông nói đại ý: Việt Nam có biển cả mênh mông, với một vùng lãnh hải và thềm lục địa rộng lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của đất nước về kinh tế cũng như quốc phòng… Đại tướng khẳng định: “… Trải qua bao thế kỷ, các thế lực ngoại xâm bao giờ cũng lợi dụng đường biển để tiến hành xâm lược nước ta. Do đó, đứng về quốc phòng, ta phải chú trọng đến biển.

Nếu chúng ta đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền độc lập trên đất liền, trên biển với một vùng lãnh hải 200 hải lý thì điều đó đặt ra rất nhiều vấn đề về mặt phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng của vùng biển”… Đại tướng đã phân tích, lý giải, làm rõ các mối quan hệ trong tổng thể chiến lược về biển, đảo mang tính khoa học và có ý nghĩa thực tiễn cao. Theo Đại tướng, chúng ta muốn tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, muốn trở nên một nước Việt Nam hùng mạnh về kinh tế và quốc phòng thì nhất định phải coi trọng kinh tế biển. Khoa học kỹ thuật về biển cũng phải được phát triển hết sức mạnh mẽ… Việt Nam được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một vùng biển, đảo bao la, có nhiều tiềm năng không thua kém quốc gia nào trên thế giới.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc đưa dân ra biển, đảo sinh sống, làm ăn. Đây không chỉ đơn thuần là việc phân bố lại dân cư giữa vùng này với vùng khác, giữa khu vực miền núi, đồng bằng, ven biển, biển, đảo cho hợp lý mà thực sự là giải pháp vừa cấp bách, lại vừa có tính chiến lược.

Trong tình hình hiện nay, “nước cờ” mà Đại tướng đưa ra có ý nghĩa hơn lúc nào hết. Thực tế lâu nay, việc đưa dân, tạo điều kiện cho dân bám biển, đảo sinh cơ lập nghiệp đã và đang được Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Vấn đề mang tầm vĩ mô mà Đại tướng đưa ra là cần phải coi trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, xây dựng cơ cấu kinh tế biển hợp lý nhằm bảo đảm hỗ trợ cho nhau phát triển vững chắc.

Một vấn đề cũng luôn được Đại tướng quan tâm là phải đoàn kết lực lượng khoa học - kỹ thuật về biển. Tất cả các yếu tố từ kinh tế đến quân sự, từ khoa học - kỹ thuật đến dân cư, bảo vệ môi trường… được phối hợp tổ chức thực hiện tốt sẽ tạo thành sức mạnh trên biển của nước ta mà bất cứ thế lực, kẻ thù nào, dù mạnh đến đâu cũng không thể đe dọa, hoặc có ý đồ lấn chiếm, khuất phục được. Có thể khẳng định, đây chính là nhân tố bảo đảm chắc chắn nhất để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với bảo đảm QPAN, tăng cường hợp tác quốc tế theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tiếp tục củng cố, tạo thế và lực mới để giữ vững độc lập, chủ quyền thiêng liêng và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trong xu thế hội nhập hiện nay.

Với tài năng của một nhà quân sự, Đại tướng đã làm kẻ thù vừa khiếp sợ, vừa nể phục. Với tư cách một nhà hoạch định chính sách, tầm nhìn của ông được coi là cơ sở khoa học phục vụ đắc lực cho nhiều lĩnh vực liên quan đến biển, đảo. Nội dung bài phát biểu của ông đã trở thành tài liệu quý báu, nhất là đối với các nhà quản lý, nhà khoa học, giới nghiên cứu về kinh tế, quân sự, hàng hải, môi trường biển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast