Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử?

(Baohatinh.vn) - Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn...

Hỏi - đáp về bầu cử

Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử? ảnh 1

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường, thị trấn được quy định như thế nào?

Về cơ bản, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường, thị trấn giống nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã, trừ nhiệm vụ quyết định biện pháp bảo đảm TTATXH, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn phường, thị trấn vì nội dung này do HĐND cấp trên quyết định để bảo đảm tính đồng bộ, tập trung trong quản lý đô thị.

ĐBQH, đại biểu HĐND phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

ĐBQH, đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu;

- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, HĐND.

Việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử?

Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

(Còn nữa)

BHT (Biên soạn theo tài liệu của HĐBC Quốc gia)

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast